Gọi đây là chuyến phiêu lưu quả không sai, bởi chúng tôi chọn đi road-trip từ Thiên Tân hướng lên phía Bắc, vượt qua biên giới để vào Mông Cổ. Cung đường này đòi hỏi nhiều can đảm và một chút may mắn, bởi không ít chặng phải nhảy tàu hay đi xe đò, mà đôi khi để có được tấm vé thông hành, chúng tôi phải lao vào một “cuộc chiến” với đám đông ồn ào và chen lấn không ngừng ở ga tàu thủ phủ Hohhot (Nội Mông, Trung Quốc). Chuyến tàu đêm đưa chúng tôi tới Ulan Bator vào 10 giờ sáng ngày hôm sau. Là thủ của Mông Cổ với số dân chiếm gần một nửa quốc gia, nên dễ hiểu khi sân ga ở đây luôn tấp nập và xe cộ trên các con phố của "Red Hero" (Ulan Bator theo nghĩa tiếng Anh) thì luôn trong tình trạng nhích từng chút một, chạy qua những khu chung cư vuông vức, hay những công trình đang xây dựng. Ulan Bator khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh một Liên Xô cũ qua những thước phim đầu thập niên 90, chỉ khi đặt chân đến khu phố trung tâm, người ta mới có cảm giác rằng hơi thở đương đại cũng tràn đến nơi đây khi xen kẽ giữa những nhà hàng sang trọng là các cửa hàng đồ lưu niệm sầm uất. Dù vậy thủ đô này không có gì nhiều để níu chân những kẻ thích phiêu lưu, kiếm tìm những điều mới lạ như chúng tôi. Chỉ nán lại Ulan Bator một ngày, sáng hôm sau chúng tôi lên đường sớm. Thuê một chiếc xe có người lái, cùng một hướng dẫn viên người bản địa, chúng tôi bắt đầu hành trình rong ruổi giữa thảo nguyên. Phần lớn người dân Mông Cổ vẫn sống theo kiểu du mục truyền thống, dù các thiết bị hiện đại ít nhiều len lỏi vào cuộc sống của họ. Yurt là tên gọi căn lều của người du mục. Căn lều hình tròn được dựng từ thảm dày hoặc da thú để cách nhiệt. Khi trời ấm áp, các tấm thảm tường được vén lên cho thoáng khí, và thả xuống sát đất khi trời trở lạnh lúc chiều tối. Khoảng trống trên mái lều giúp người dân xác định giờ chăn thả gia súc theo bóng nắng rọi xuống. Giữa lều là chiếc lò sưởi được nối thẳng với ống khói, xung quanh bố trí các vật dụng cần thiết như giường, bàn ghế, tủ bát... như thể một ngôi nhà kiên cố. Chúng tôi ngồi quây quần quanh chiếc lò sưởi, nghe tiếng lửa tí tách, đợi ánh chiều tắt dần trên mái lều. Ở đây không có điện, không internet, không điện thoại, chỉ có chúng tôi và những người du mục chân chất, chia nhau bát sữa ngựa đã lên men. Những câu chuyện nhỏ nhẹ với vốn ngôn ngữ hạn chế nhưng đủ sức kéo chúng tôi vào một vòng tròn ấm cúng đến kỳ lạ. Hôm sau, cô bé con chủ nhà, chùng 6,7 tuổi cứ quấn quít quanh tôi, có ý muốn chỉ cho tôi xem một thứ gì đó, trong khi cậu anh trai thì lùa đàn cừu, dê và ngựa lên trên đồi. Đứng cao chưa tới nửa lưng ngựa, thậm chí phải nhờ anh trai bế lên mới với được bàn đạp, nhưng Nice – tên tôi đặt cho cô bé, lại chọn cưỡi con ngựa đen to lớn nhất đàn. Chỉ cần nhìn Nice điều khiển con ngựa một cách thành thạo cũng đủ khiến bất cứ ai phải trầm trồ. Tôi vốn nhát nên chủ động chọn cho mình con ngựa bé nhất đàn, rồi từ tốn đi nước kiệu hướng lên đỉnh đồi. Chỉ nháy mắt, Nice đã biến mất sau đỉnh đồi thứ nhất, trong khi tôi vẫn còn loay hoay vì con ngựa bỗng dưng dở chứng dừng lại, không chịu đi tiếp. Tôi ra sức thúc, lúc nhẹ nhàng, khi nạt nộ, nhưng có vẻ chẳng có cách nào hiệu quả. May sao Nice quay lại, cô bé ra hiệu giục tôi phải nhanh lên, vì có điều gì đó rất đặc biệt phía bên kia quả đồi. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành xuống khỏi lưng ngựa và leo lên đỉnh, nơi Nice đang chờ sẵn. Điều đặc biệt mà Nice muốn cho tôi thấy chính là hoàng hôn Mông Cổ. Mặt trời khổng lồ, óng lửa, đặc quánh như lòng đỏ trứng gà. Chưa bao giờ tôi thấy mặt trời gần và to đến thế. Tôi sững sờ đến mức không nhận ra Nice đang níu tay mình ngồi xuống bãi cỏ. Chúng tôi ngồi cạnh nhau, im lặng, hai người phụ nữ đến từ hai thế giới khác nhau, và cách xa về độ tuổi, nhưng giữa trập trùng núi đôif, vòng tròn rực rỡ này là của riêng chúng tôi. Hít một hơi thật sâu mùi cỏ ngọt, tôi tin mình đang sống trong một giấc mơ có thật giữa thảo nguyên bao la này. Tips: Thời gian: Bạn cần ít nhất 2 tuần để đi du lịch Mông Cổ. Nên đến Mông Cổ vào tháng 7, vì thời tiết rất thuận lợi và đây là mùa lễ hội của người dân Mông Cổ. Visa: Để xin visa đi Mông Cổ, bạn cần thông qua một công ty du lịch bên Mông Cổ để có được thư mời. Rồi sau đó qua sứ quán làm thủ tục theo trình tự quy định. Đi du lịch Mông Cổ đồng nghĩa với việc bạn sẽ đi kiểu road-trip. Cùng một vài người đồng hành, bạn sẽ thuê xe jeep, một lái xe cùng một hướng dẫn bản địa và rong ruổi khắp vùng thảo nguyên. Chi phí trung bình một người khoảng 50 USD/ngày. Nên mang theo: nước rửa tay khô, đầy đủ quần áo ấm (có thể nhiều áo mỏng), kể cả đi vào mùa hè. Thân, Tác giả Alex Tu The MiniTravelist
0 Comments
Your comment will be posted after it is approved.
Leave a Reply. |
Liên hệ công việc
[email protected] Xin chào,Tôi là Alex Tu - tác giả về các đề tài phát triển bản thân, tài chính cá nhân, du lịch và phong cách sống. Tôi đã đặt chân tới gần 90 quốc gia & đặc khu. Tôi sẽ tiếp tục khám phá và trải nghiệm nhiều hơn. Categories
All
Archives
October 2023
|