Về mặt lý thuyết, cách tốt nhất để bạn nhận ra mình có quá nhiều đồ đạc là chuyển nhà, chẳng hạn cứ 2 tuần/ lần chuyển nhà. Đây là biện pháp "bạo lực" nhất để bạn cảm nhận được mình có thực sự quá nhiều thứ và bắt đầu mệt mỏi vì những vật dụng mà mình sở hữu. Về mặt thực tế, bạn chỉ cần có một lần chuyển nhà vào một căn nhà/ căn phòng bé hơn nhiều so với hiện tại là bạn sẽ nhận ra rằng đã tới lúc bạn "giảm tải" số lượng đồ đạc mà mình dang sở hữu. Lý tưởng nhất là bạn đọc được bài viết này và bắt đầu chiến dịch cắt giảm đồ đạc, vật dụng mà bạn sở hữu trước khi có những chuyến chuyển nhà mệt phờ râu trê, hoặc đơn giản chỉ để giải phóng mình khỏi việc "lùa đồ đạc" đi đây đi đó. Sau đây là 10 cách giúp bạn "sở hữu một cách sáng suốt và hiệu quả" đồ đạc cá nhân. 1. Không nên có quá nhiều vật dụng chỉ để phục vụ cho một mục đích cụ thể Bạn không cần 2 bàn ủi, 2 máy sấy tóc thì mới có thể ủi được quần áo hoặc sấy được tóc. Chỉ giữ lại mỗi thứ 1 cái, những cái khác bạn có thể bán lại, cho tặng. Bạn không cần phải có cả bàn chải tắm có cán và bông tắm mới có thể tắm sạch sẽ được. Chỉ nên giữ lại bàn chải tắm có cán trong trường hợp này vì bàn chải tắm có cán giúp bạn kỳ cọ được cả những nơi khó với tới của cơ thể như sau lưng trong khi bông tắm thì không có cán và sẽ khó khăn làm sạch phần lưng của bạn. Bạn cũng không cần tới 2 cái rổ: 1 lớn và 1 nhỏ cho việc rửa trái cây và rau lúc ít (rổ nhỏ) hay lúc nhiều (rổ lớn). Rõ ràng một chiếc rổ lớn (và loại bỏ đi rổ nhỏ) là hợp lý cho mọi nhu cầu. 2. Nếu bạn chỉ thi thoảng mới dùng tới một vật dụng, có nghĩa bạn cũng có thể không cần tới nó Nếu trong 1 năm bạn mới cần dùng tới búa hoặc đinh 1 lần thì rõ ràng bạn không cần phải sở hữu búa và bộ đinh trong tủ đồ nghề của mình. Nếu bạn ở trong một căn hộ/ phòng không được phép đóng đinh thì việc sở hữu búa và đinh cũng thật là phi lý. Điều đó cũng áp dụng cho cả máy khoan. Nếu bạn chỉ hay quét nhà rồi lau nhà thì bạn cũng có thể cân nhắc việc "tiễn" máy hút bụi. Những đồ đạc "nhỡ may" cần dùng đến cũng trong danh sách cần loại bỏ. Khi nào bạn cần dùng tới hẵng hay, nhưng thường thì 10 năm bạn có khi mới cần dùng đến 1 lần. 3. Chai, lọ, hộp là những thứ chiếm nhiều diện tích và bám nhiều bụi nhất cần phải loại bỏ Chai lọ đựng những sản phẩm dã dùng xong như nước mắm, tinh dầu, nước hoa, nước xả vải cần phải "xuất khẩu" ra khỏi nhà bạn ngay và luôn. Những hộp sản phẩm trông đèm đẹp, xinh xinh, trừ khi chúng dùng để đựng những đồ đạc thiết yếu khác (nhưng tôi nghi ngờ là không!), bạn chỉ nên ngắm nhìn, cảm nhận vẻ đẹp của chúng và "say goodbye" nếu không muốn một ngày nào đó căn phòng/ ngôi nhà của bạn trở thành bãi rác đẹp đẽ. Cà 2 loại đồ đựng trên đều không có quá nhiều tác dụng, không quá cần thiết mà lại chiếm nhiều diện tích, bám bụi ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bạn. 4. Bạn nên hạn chế tích luỹ bịch ni-lon, túi đựng đồ Cách tốt nhất là có một túi vải eco thân thiện với môi trường, nhẹ ký, có thể gấp gọn và tái sử dụng được nhiều lần. Bạn chỉ cần nhớ mang theo (để trong cốp xe) hoặc gấp gọn lại để trong túi xách tay. Nếu không cần thiết phải lấy túi đựng khi mua hàng thì bạn nên từ chối lấy túi đựng. Bên Mỹ ở 1 số thành phố như San Francisco cấm túi ni lon và có thu tiền 10-15 cent cho mỗi túi giấy. Vì chẳng ai muốn mất tiền nên mọi người thường mang theo túi vải hoặc cố gắng ôm hết đồ ở tay. Trong khi ở Việt Nam việc sử dụng bịch ni-lon thật vô tội vạ và chẳng ai dám thu tiền túi giấy phát cho khách hàng. 5. Bán ký hoặc cho tặng tạp chí cũ và thanh lý hoặc đổi các sách bạn đã đọc Tạp chí rất nặng và cũng rất bám bụi, nhất là khi bạn vứt lung tung trên sàn nhà hoặc để lộn xộn 1 đống trên kệ. Sách giấy có khả năng hút bụi và mọc nấm mốc rất có hại cho không khí và sức khoẻ. Với những cuốn sách thật hay bạn đã đọc thì chúng sẽ có ý nghĩa hơn nếu như bạn đưa nó cho một người khác để họ có thêm những kiến thức mới hữu dụng và tốt cho bạn nếu bạn đổi được một cuốn sách mới đối với bạn. 6. Không nên giữ quá nhiều sách chưa đọc vượt quá khả năng và thời gian đọc của bạn Nếu trung bình 1 tháng bạn đọc được 2 cuốn sách thì 30 cuốn sách bạn chỉ có thể đọc hết trong vòng 15 tháng, tức là 1 năm và 3 tháng. Bạn chỉ nên giữ tối đa 2 lần số sách bạn có khả năng đọc trong vòng một tháng. Nghĩa là nếu bạn có thể đọc 3 sách trong một tháng thì bạn chỉ nên giữ 6 sách trên kệ sách mà thôi. Việc có một kệ sách đầy ứ ự nhưng bạn lại chẳng có thời gian rờ tới cũng không làm bạn trở thành trí thức thực tế được. Nếu bạn có tiếng Anh tốt thì bạn nên mua Kindle để đọc e-book nhằm giảm tải các cuốn sách in tiếng Anh và tiết kiệm được khá nhiều chi phí vì sách tiếng Anh thường mắc và bạn chẳng phải chịu cực với sách khi dọn nhà. 7. Tô chén ly tách chỉ nên phù hợp với số lượng người trong nhà Nếu nhà bạn có 3 người thì bạn chỉ nên có 4 chén cơm, 4 đôi đữa, 4 -5 cái dĩa, 2 tô canh; số lượng bạn cần không tới chục hoặc tá vì tâm lý sợ nhà có khách. Nếu bạn có những sự kiện cần mời khách thì tốt nhất nên chọn 1 nhà hàng, hay quán xá nào vừa túi tiền và mời mọi người chung vui ngoài đó. Bạn sẽ thấy ý tưởng này rất tuyệt vời khi không phải dự trữ quá nhiều bát chén tô muỗng và đỡ cực thân về nấu nướng, lau dọn sau tiệc. 8. Tủ quần áo - nguồn quá tải đáng sợ cần đơn giản hoá Thông thường mọi người chỉ mặc 1/10 số quần áo họ có nhưng vẫn tha lôi và để nguyên đống quần áo không mặc tới hoặc rất ít khi mặc trong tủ. Hoặc sáng sủa hơn theo nguyên tắc 80/20 thì chúng ta cũng chỉ mặc 80% trong số 20% số quần áo mà chúng ta sở hữu (tương đương 16% số quần áo mà chúng ta có). Vì thế, tinh giản hoá tủ quần áo có lẽ là việc làm có hiệu quả trong quá trình tối giản nhưng thực sự lại không dễ dàng cho nhiều người. Mình sẽ có bài viết riêng về tủ quần áo. Trong khuôn khổ bài viết này, bạn chỉ cần nhớ phải mạnh tay loại bỏ những quần áo không vừa size, quần áo mặc gây khó chịu cho cơ thể và quần áo làm bạn không vui khi mặc. Thoải mái là cái đẹp tinh tế đầu tiên mà mọi người tối giản đều nên hướng tới! 9. Không nên bày biện quá nhiều đồ decor trang trí Đồ decor trang trí nếu quá nhiều sẽ khiến bụi bẩn tích tụ và làm bạn mất rất nhiều thời gian lau chùi. Nếu bạn là người yêu thích không gian sống có đồ trang trí, bạn cũng chỉ nên giữ số lượng đồ trang trí ở mức vừa phải để không gian sống thoáng đãng và bạn không cảm thấy kiệt sức, bực bội vì phải lau chùi. Một giải pháp hay ho khác cho người tối giản yêu trang trí là trồng một vài cây xanh trong nhà có khả năng lọc không khí. 10. Tránh mua đồ mới một cách vô ý thức Nói thế này hơi giống kiểu huề cả làng nhưng đơn giản nhất, để tránh tình trạng mua đồ một cách vô thức, bạn cần phải mua đồ một cách "có ý thức", tức là bạn nhận thức được mình đang sắp sửa tiêu tiền và mang về nhà một món đồ. Hãy tự hỏi mình vài câu sau đây để suy nghĩ thấu đáo xem liệu bạn có hối hận sau khi đã rinh nó về (nhất là ở Việt Nam thường ít khi cho đổi trả): - Bạn cần phải lao động bao nhiêu lâu để chi trả cho việc sở hữu món đồ này. Ví dụ, 1 giờ làm việc của bạn sau thuế là 200.000, nếu bạn mua một cái áo với giá 1.600.000 sẽ bằng bạn phải làm việc cật lực trong vòng 8 tiếng đồng hồ, hay tương đương với một ngày lương full-time. - Bạn có dùng món đồ thường xuyên? - Bạn có sẵn sàng chi tiền liên quan tới việc vận hành món đồ (nếu có)? - Bạn có sẵn sàng gìn giữ món đồ? - Bạn có sẵn sàng chi trả chi phí bảo quản món đồ (nếu có)? - Bạn có sẵn sàng cho món đồ đó một không gian trong nhà bạn? - Món đồ có tăng thêm giá trị cho bạn và giúp bạn nổi trội hơn không? Nhắc lại: đồ đạc ở trong nhà bạn mà không hề trả tiền thuê nhà trong khi bạn phải trả tiền thuê nhà, góp tiền mua nhà hoặc lau chùi quét dọn nhà hàng tuần đấy! Thân, Tác giả Alex Tu The MiniTravelist
0 Comments
Your comment will be posted after it is approved.
Leave a Reply. |
Liên hệ công việc
[email protected] Xin chào,Tôi là Alex Tu - tác giả về các đề tài phát triển bản thân, tài chính cá nhân, du lịch và phong cách sống. Tôi đã đặt chân tới gần 90 quốc gia & đặc khu. Tôi sẽ tiếp tục khám phá và trải nghiệm nhiều hơn. Categories
All
Archives
October 2023
|