Đầu tiên, xin các bạn hãy bình tĩnh! Xin thị thực (visa) du lịch không quá khó nếu các bạn biết sắp xếp và lên kế họach từ trước. Sắp xếp ra sao, lên kế hoạch thế nào, bạn sẽ được chỉ dẫn cụ thể ở đây. Miễn là các bạn có một tâm hồn yêu “xê dịch” đủ lớn, mọi chuyện còn lại chỉ như ăn bánh. Mỗi nước sẽ có yêu cầu cụ thể riêng về từng loại thị thực. Việc chứng minh bạn đủ điều kiện để được cấp thị thực là nghĩa vụ của bạn, thông qua các giấy tờ bạn nộp khi xin thị thực. Muốn đi đâu, xin mời bạn vào trang web của đại sứ quán/ lãnh sự quán nước đó tìm hiểu thông tin về đúng loại thị thực du lịch mà bạn cần. Nếu chưa rõ về một loại giấy tờ nào, hãy gọi trực tiếp tới bộ phận phụ trách thị thực để được hướng dẫn thêm. Nhân viên của bộ phận thị thực tương đối nhẹ nhàng, lịch sự. Mục đích của bạn là gọi lên hỏi và làm sáng rõ thông tin bạn đang thắc mắc. Nếu nước bạn muốn đi có đại sứ quán hoặc lãnh sự quán tại Việt Nam thì xin chúc mừng bạn. Dù sao bạn cũng đỡ vất vả hơn là phải xin visa của nước mà không có cơ quan ngoại giao có khả năng cấp thị thực tại Việt Nam. Ví dụ, bạn muốn xin thị thực đi Uganda, xin mời qua Bắc Kinh, Trung Quốc. (Đại sứ quán Ugandatại Trung Quốc được chỉ định giải quyết công việc liên quan tới Việt Nam hoặc công dân Việt Nam.) “Nguyên tắc sống còn” của việc nộp hồ sơ xin thị thực du lịch là họ yêu cầu gì trong tập hồ sơ xin thị thực thì bạn phải nộp đủ. Tuy nhiên, các yêu cầu rất khác nhau tùy theo từng nước. Ví dụ: Mĩ, có trường hợp họ không hề yêu cầu cho xem giấy tờ chứng mình tài chính. Nhưng Anh, Nhật thì giấy tờ chứng mình tài chính nằm sẵn trong hồ sơ bạn phải nộp. Hoặc Hàn Quốc, nếu đã từng có visa Anh, Mỹ, Úc, châu Âu thì miễn chứng mình tài chính. Hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, nếu còn visa châu Âu và Mỹ còn hiệu lực cho tới hết ngày bạn dự định đi Thỗ Nhĩ Kỳ và quay về thì bạn chỉ cần làm e-visa. Đối với thị thực du lịch, các loại giấy tờ được yêu cầu thường là những loại giấy tờ sau:
Đối với thị thực du lịch, các loại giấy tờ được yêu cầu thường là những loại giấy tờ sau:
Đối với thị thực du lịch, các loại giấy tờ được yêu cầu thường là những loại giấy tờ sau:
Lưu ý
0 Comments
Một trong những sự tra tấn đối với tôi khi còn "choai choai" là mỗi tiết lịch sử thế giới, thầy giáo cao tuổi giơ giơ tấm hình khổ lớn được in rất sắc nét ra "khoe" cả lớp. Hôm thì Kim Tự Tháp Ai Cập, hôm thì đền Pathenon ở Hy Lạp. Tất nhiên là tôi thèm rỏ nước dãi những tấm hình ấy, thứ nhất là khổ lớn, thứ hai là sắc nét và thứ ba là chẳng nơi nào ở Hà Nội bấy giờ bán chúng cả. Cứ nhìn cái cách thầy "khoe" với cả lớp rồi xếp lại cẩn thận và để vào trong cặp da nâu cũ sờn của thầy là biết thầy trân quý chúng thế nào. Tất cả những điều ấy đã lập trình vào não bộ tôi rằng "Phải xem tận mắt", "Phải xem tận mắt cho bằng được"... Để sống sót qua cơn nghiện, tôi đi lùng sục các hiệu sách ngoại văn khắp Hà Nội để kiếm chác những gì liên quan tới Ai Cập - nền văn minh cổ đại. Mấy chiến hữu của tôi cũng được huy động trong chiến dịch thu thập niềm đam mê này. Ngồi trong tiết học không yên, nhấp nha nhấp nhổm truyền thư giấy từ bàn đầu xuống bàn cuối hẹn hò, học không học, chỉ lo tan lớp để đạp xe từ Ams cũ (viết tắt của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam thời trường còn ở khu Nam Cao, Giảng Võ) lên Bà Triệu. Tôi còn nhớ ngày ấy Bà Triệu có một hiệu sách ngoại văn cũ tên là Quê Hương. Điều hay ho là Quê Hương này bán thanh lý tạp chí ngoại văn cũ mà may mắn có một vài số có đăng nhiều về Ai Cập - Kim Tự Tháp, xác ướp, chữ viết cổ, những bản in trên giấy papyrus, ... Tuy là bán thanh lý nhưng tôi nhớ giá cũng cắt cổ, một cuốn tạp chí mong mỏng giá bằng mấy bát ốc luộc loại ngon. Vét hết tiền, mua về rồi cắt dán vào một cuốn sưu tập, xem chừng hỉ hả lắm! Não bộ tôi vì thế có các nếp nhăn hằn sâu nhất về ý nghĩ phải đi khắp nơi trên thế giới, phải xem được cái này cái kia. Đến nay những vết sâu đó vẫn không thuyên giảm mà còn có phần hằn rõ hơn! Mơ mộng từ năm 15 tuổi, cơ mà cũng phải 11 năm sau mới tận mắt được thấy Kim Tự Tháp, Ai Cập (và Acropolis của Athens, Hy Lạp - nhưng tôi sẽ nói trong một bài khác). Dù sao thì 11 năm này cũng ngắn hơn rất nhiều so với hoạch định của tôi lúc đó - tôi cho mình thời hạn 20 năm. Chuyến đi Ai Cập của tôi nằm trong lộ trình dài từ tháng 12 tới tháng 1 từ Singapore, Singapore --> Paris, Pháp --> Barcelona, Tây Ban Nha --> Geneva, Thuỵ Sĩ --> Venice, Ý --> Rome, Ý --> Sophia, Bulgary --> Athens, Hy Lạp --> Cairo, Ai Cập --> Paris, Pháp --> Singapore, Singapore. Chuyến đi này trúng đợt bão tuyết khủng khiếp ở châu Âu, các chuyến bay hầu như bị huỷ và ngay cả việc nhảy tàu từ Venice xuống Rome cũng suýt bị huỷ vì tuyết làm đường rày đóng băng và không còn an toàn cho xe lửa. Ngồi trên tàu thì căng mắt ra đọc sách vì sợ ngủ quên mất hành lý (hành lý để ở 1 khu vực riêng phía đầu toa tàu chứ không để ngay chỗ ngồi được, trừ hành lý nhỏ) và xuống nhầm ga (Roma không phải ga cuối nên nếu ngủ quên thì có khi bạn tỉnh dậy lại đang ở một tỉnh nào xa lắc xa lơ của nước Ý). Thủ Đô Cairo, Ai Cập đón chào bằng bụi cát đỏ mịt và ăng-ten chảo. Nóc nhà nào cũng vài chục chiếc ăng-ten chảo kín mít. Hẳn người Cairo rất thích xem tivi! Cảm giác khô khốc và khó chịu vì bụi bám khắp nơi vây lấy người tôi khi máy bay hạ cánh. Cairo đầy bụi cát đây rồi! Háo hức nhất là đi ra khu Giza để xem Kim Tự Tháp. Giza nằm cách Cairo khoảng 20 km, hướng Tây Nam so với Cairo. Khu Giza này có 3 kim tự tháp lớn nằm gần gần nhau. Tôi không có dịp vào trong Kim Tự Tháp lớn nhất vì danh sách chờ rất dài và phải xếp hàng từ 3 -4 giờ sáng. Tuy nhiên tôi cũng vào trong được kim tự tháp lớn thứ hai. Kim Tự Tháp Ai Cập là hầm mộ. Cảm giác chui vào trong hầm mộ thật cứ rờn rợn thế nào, lỗ chui thì bé bé như kiểu đường hầm Củ Chi, bò bò lổm nhổm nối đuôi nhau vào trong. Tới một vài đoạn thì có buồng lớn có thể đứng thẳng người và rồi lại tới đoạn khác bò lúc nhúc theo. Vừa bò vừa nổi da gà, lành lạnh sống lưng. Tới một căn phòng lớn hơn thì có quan tài bằng đá (tất nhiên là quan tài không nhé, xác ướp nếu có thì cũng đã được di dời đi hết rồi. Các bạn muốn xem xác ước Ai Cập xịn và nhiều nhất, xin qua bảo tàng London nha, phần lớn nằm ở bển ấy). Tương truyền ai nằm trong quan tài ấy nhắm mắt lại trong một phút thì cái xấu sẽ bay biến hết. Tôi cũng hăm hở trèo vào, nằm trên nền đá lạnh, nhắm mắt thiền tịnh trong một phút. Một phút lúc này dài đằng đẵng. Hô biến những điều không hay! Khu vực Giza ngoài 3 kim tự tháp lớn nhất còn có khu vực tế lễ, ướp xác và tượng Nhân Sư Sphinx. Tượng Nhân Sư bị phá huỷ phần mũi. Có ba giả thuyết chính khác nhau: một là Napoleon tưởng có châu báu ở mũi cũa Nhân Sư nên bảo quân nã đại bác vào mặt tượng; hai là một người Hồi giáo bản địa ghét cảnh người dân Ai Cập cầu nguyện ở khu vực tượng Nhân Sư nên cố gắng dùng thuốc nổ để phá huỷ; ba là do quân đội Anh và người Thổ. Đến nay, chúng ta vẫn chưa biết chắc chắn nhưng theo mốc thời gian thì có vẻ giả thuyết thứ ba là chính xác nhất. Tới Ai Cập thì bạn phải biết cưỡi lạc đà đi khắp đồng ruộng và bãi rác Cairo. Đồng ruộng xanh mướt cùng những cây cọ cao vút đặc trưng là một minh chứng cho đồng bằng sông Nile trù phú, cái nôi của một nền văn minh cổ đại rực rỡ. Tới Ai Cập thì bạn cần phải biết tới cây Papyrus dùng để làm giấy nơi đồng bằng sông Nile. Và bạn sẽ cần phải hút sisha như một người đàn ông Ai Cập chính gốc, uống trà táo thơm lựng và vuốt ve những chú mèo Ai Cập thông minh như chó. Và xem múa bụng trên tivi từ sáng sớm hoặc mua một bộ váy belly dance mà mặc tập múa bụng. Phải có lí do gì đó khiến cho mỗi khi nhắc tới châu Âu, người ta thường nghĩ ngay tới Paris. Cứ như thể Paris là trái tim của châu Âu và là nhân vật chính của một câu chuyện tình lãng mạn đẹp đẽ mặc kệ kết thúc có hậu hay không. Cùng phải mất gần 10 năm, tôi mới có được câu trả lời của riêng mình. Thú thực, lần đầu tiên bước chân tới Paris (à, thì cũng gần 10 năm về trước) tôi không hề quá yêu thành phố này. Trước khi đi, tôi còn đọc một vài bài viết về "cú sốc văn hoá" do Paris gây ra với du khách. Rằng rất nhiều du khách đến Paris lần đầu tiên đều cảm thấy thất vọng và tổn thương tinh thần ghê gớm. Bởi Paris không long lanh, thuần khiết và "vô trùng" như họ tưởng. Nhưng làm sao mà không tự tưởng tượng ra một nơi đẹp như tiểu thuyết thế khi tranh ảnh, ký hoạ về Paris cứ hiện lên dịu mượt, màu sắc hài hoà, thanh thoát, duyên dáng "như dân Paris". Lỗi không phải ở Paris, lỗi là do trí tưởng tượng của chúng ta quá phong phú và não bộ chúng ta tự thêu dệt nên một thiên đường có thật về kinh đô ánh sáng. Lần đầu tiên với Paris, tôi cũng lao đầu đi xem những địa điểm thu hút "top attractions" trong nội thành Paris như tất cả những người khách du lịch khác - Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, Nhà Thờ Đức Bà Paris, viện bảo tàng Louvre, đại lộ Champs Elyssee, chui xuống hệ thống tàu điện ngầm hơn 100 năm tuổi (đường tầu đầu tiên được đưa vào sử dụng vào năm 1900) với cổng vào "Métropolitain" không lẫn vào đâu được thuộc trường phái Art Nouveau, ... Háo hức những cũng không kém phần ngột ngạt và mệt mỏi... Tôi có thể kể xấu Paris ngay từ lần đầu tiên ấy. Paris hỗn tạp, Paris dơ dáy, Paris tạp nham, Paris chảnh choẹ, Paris là sự dối trá trắng trợn. Cứt chó, vâng, xin lỗi về sự thành thật cuả tôi. Nhưng đó quả là một vấn nạn của Paris. Nếu mỗi lần đạp phải sản phẩm ấy mà bạn mua xổ số thì có khi bạn cũng hết cả tiền. Mà hình như đạp trúng một lần là sẽ có duyên đạp thêm nhiều lần nữa! Móc túi, càng ngày càng tệ hại. Lúc trước thì chỉ ở những địa điểm du lịch và mục tiêu là khách du lịch; giờ thì cả dưới métro (tàu điện ngầm) và mục tiêu là bất cứ ai đi tàu điện ngầm; lúc trước hoạt động lẻ tẻ, giờ thì có rất nhiều nhóm thanh niên nam nữ. Cạm bẫy khách du lịch như cho chim ăn, mời đóng góp từ thiện, mua bán đồ lưu niệm. Đủ thứ trên đời miễn là có thể giúp con người ta kiếm chút đỉnh chống lại cơn đói qua ngày hay 1001 lý do cần đến tiền khác. Kỳ thị chủng tộc. Xin thưa có chứ không phải không. Phục vụ tệ hại. Con người lạnh lùng. Những điều trên cứ như cái rằm cắm vào bàn toạ của bạn trong khi bạn rất muốn ngồi. Bạn muốn yêu Paris nhưng Paris như quả cầu gai, mỗi khi bạn muốn ôm vào thì lại phải đối mặt với thực tế nhọn hoắt và đau đớn từ nàng. Vậy tại sao vẫn có nhan nhản sách báo, tiểu thuyết ca ngợi về Paris? Tôi không nghĩ người ta có thể dối trá về tình cảm trong cả một bài viết hay một cuốn sách dày như thế. Bí quyết là gì? Tôi sẽ chỉ cho bạn ngay sau đây. Paris là một phụ nữ có phong cách và trí tuệ. Vì thế, bạn sẽ phải tiêu hoá nàng từ từ và tốn tiền vì nàng. Phong cách của Paris không phải là vẻ đẹp phồn thực cứ lồ lộ ngay giữa thanh thiên bạch nhật để bạn chỉ muốn lao vào hùng hục và quên ngay sau giấc ngủ tái tạo năng lượng. Phong cách của Paris là cái duyên ngầm chỉ bắt đầu lấp ló khi bạn thực sự chú tâm bởi thời gian ở trong vòng tay nàng đủ dài hoặc khi đã ngắm đủ gái đẹp kèm theo sự trống rỗng vô hồn nơi họ - thì Paris là cô gái mặc áo thun sọc ngang đen trắng, khăn lụa quàng cổ be bé nhưng rực rỡ, môi đỏ tươi, đang chúi mũi vào cuốn sách nơi quán cà phê góc phố đẹp nhất và ban cho bạn một nụ cười ngắn nếu bất chợt gặp ánh mắt si mê của bạn. Thế là bạn có một cái hẹn với nàng...Và khi bắt đầu hẹn hò với nàng vì muốn yêu nàng, dám chắc bạn cũng đã phải trở đi trở lại thăm nàng gần cả gần chục lần. Yêu nàng đủ nhiều, bạn sẽ thấy được những góc nghiêng trông nàng tuyệt vời hơn so với bình thường. Yêu nàng đủ nhiều, bạn không ngừng nhận ra những nơi nàng đẹp khiến bạn nín thở mà ngay trước đấy thôi bạn chưa nhận ra. Paris chưa bao giờ ngừng làm bạn hết ngạc nhiên. Một cô nàng có trí tuệ lại chẳng thèm tham lam thì cũng có lúc vặn vẹo bạn đến...vỡ cả mặt hoặc quăng trả lại bạn không thương tiếc những thứ "tầm thường" bạn có thể đầu tư vào một cô nàng khác. Nàng là gương mặt tiêu biểu của tự do và cách mạng. Nàng là biểu tượng của sự xa hoa tột đỉnh và kiểu cách, phức tạp một cách tinh tế. Nàng là trái tim tinh thần của một nước Mẹ với lịch sử hào hùng! Tôi tới Havana, Cuba vào một buổi chiều hè cuối tháng Bảy. Chuyến bay ngắn từ Cancun, Mexico làm tăng thêm sự hứng khởi cho tôi bởi chỉ hơn một giờ bay, tôi sẽ có mặt ở một trong những địa điểm “hot” nhất trên thế giới, đích đến của kỳ nghỉ mơ ước “dream vacation” không chỉ đối với tôi mà còn đối với rất nhiều người. Hơn năm giờ chiều nhưng ánh nắng vẫn chan hòa và lấp lánh trên mặt nước biển của đảo quốc. Máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế José Martí. Ấn tượng đầu tiên là sân bay quốc tế ở thủ đô quy mô không quá bề thế nhưng vẫn có mặt các hãng hàng không nổi tiếng trên thế giới, cho thấy Havana quả là hòn ngọc Trung Mỹ. Tôi làm thủ tục nhập cảnh như những khách du lịch khác. Khuôn mặt ai cũng hấp háy niềm vui vì chuyến đi mơ ước tới Cu Ba đã trở thành hiện thực. Nhân viên hải quan tuy không quá niềm nở nhưng vẫn cố gắng làm thủ tục nhập cảnh nhanh chóng cho khách. Khác với thông thường, sau khi nhập cảnh, mọi người sẽ cần cho hành lý qua máy soi và cá nhân sẽ phải qua kiểm tra an ninh một lần nữa. Ngay ngoài sân bay là bãi đậu xe với những chiếc xe cổ làm bạn trở nên phấn khích như một đứa trẻ. Chuyến taxi từ sân bay về thành phố chừng 35 phút hứa hẹn sự hứng khởi sẽ còn tăng lên nhiều. Đường về thành phố có nhiều cây xanh, tương đối thóang mát, và không quá đông đúc. Chiếc xe nào chạy qua trông cũng đẹp, cũng “cổ” khiến tôi không thể dời mắt. Tiếng nhạc Salsa sôi nổi vọng ra từ những chiếc xe ấy khiến bầu không khí thêm sống động. Tôi cảm nhận rõ rệt sức sống đang dâng trào ngay từ những hoạt động thường ngày nơi đây. Càng về trung tâm thành phố, nhà cửa càng đông đúc hơn. Những ngôi nhà có kiến trúc “thuộc địa” đẹp như trong phim với nét nổi bật là khoảng cách giửa các tầng nhà cao vời vợi, ban công sắt uốn nên thơ, màu sắc “nhộn nhịp”. Những ngày đầu tôi ở “home-stay” ngay trong khu trung tâm. Những ngôi nhà mê hoặc nằm san sát nhau như chào mời người lữ khách. Cầu thang hẹp nhưng cao dẫn tôi đi lên khu nhà chính. Tôi đã không thể tin vào mắt mình trước vẻ đẹp phía trong ngôi nhà. Này là cửa số lớn ngay nơi ban công ánh nắng chan hòa nhìn xuống được ngõ phố, này là đèn chùm pha lê rực rỡ trong phòng khách, này là giếng trời ban phát đầy đủ ánh sáng thiên nhiên dọc hành lang nhà. Cái mệt dường như tan biến. Kiến trúc nơi đây đưa những yếu tố tự nhiên vào cuộc sống hàng ngày khiến con người thêm yêu đời và phấn chấn. Tôi đặt chủ nhà một bữa ăn sáng theo kiểu địa phương để đuợc cảm nhận rõ hơn “hương vị” của người bản xứ. Món đầu tiên là sa-lát trái cây nhiệt đới, gồm có xoài, dưa hấu và thơm (dứa) được thái hột lựu, trộn đều và đựng trong một chiếc ly tủy tinh điệu đà có chân cao cao mà tôi thường thấy trong các cửa hàng bán kem sang trọng. Một ly nước lọc lớn được rót sẵn trên bàn. Tôi chọn nước trái cây xoài. Ly nước xoài đặc sánh, màu cam tươi óng ánh. Bữa sáng còn có jambon, pho-mai, bánh mì làm theo kiểu Cuba. Món tráng miệng giống như một loại chè ngọt thanh thanh làm bữa tối thêm đầy đủ. Người Cuba vẫn có thói quen uống cà phê hoặc cà phê sữa sau mỗi bữa ăn. Tôi đã có một bữa hoàn hảo! Tôi nôn nóng để được bước chân dạo trên đường phố, tới quảng trường cổ và những nơi đẹp tuyệt khác. Tôi đề nghị chủ nhà dẫn tôi đi dạo hoặc nếu chủ nhà bận rộn, liệu một người bạn bản địa nào đó có thể dành thời gian cho tôi để tôi hiểu rõ hơn về cuộc sống nơi đây. Và José được giới thiệu cho tôi để giúp tôi trong những ngày đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ này. Chàng trai hơn 20 tuổi, nước da bánh mật khỏe khoắn trong trang phục màu trắng từ đầu tới chân, nói tiếng Anh lơ lớ âm điệu tiếng Tây Ban Nha. José nói, tên bạn rất dễ nhớ vì giống với tên người anh hùng dân tộc Jose Martí – cũng là người bạn ngưỡng một nhất trong các vị anh hùng của đất nước. Bạn làm việc tại quán cà phê Oriental, ở quảng trường San Francisco. Hôm nay là ngày nghỉ của bạn và đây là lần đầu tiên bạn được gặp một người bạn Việt Nam – đất nước cũng có phong trào đấu tranh quật cường nên bạn rất tò mò và hồi hộp. Bạn nói tôi cứ từ từ vì Havana sẽ làm tôi mất rất nhiều thời gian để chiêm ngưỡng nàng! Chúng tôi thỏa thuận với nhau chủ yếu sẽ chỉ đi bộ để tôi có thể dừng lại ở bất kì chỗ nào, ngắm nghía, xuýt xoa hoặc chụp hình. Quả như dự tính, chúng tôi di chuyển rất chậm bởi vì cứ đi được vài mét là tôi lại phải dừng lại mải mê quan sát từng căn nhà, từng góc phố. Điều tuyệt vời hơn là những chiếc xe cổ được tân trang óng mượt với lớp sơn xà cừ ánh lên trong nắng nằm gọn ghẽ ở một bên đường làm bức tranh cuộc sống càng nên thơ. Những chiếc xe cổ. Những góc phố như tranh. Tuyệt vời! Những hình ảnh này bạn không dễ dàng bắt gặp tại Việt Nam hoặc những nơi khác trên thế giới. Tôi chỉ kịp á, ớ, và bấm máy hình liên tục. Lang thang qua hết những ngõ con đường, những quảng trường nổi tiếng trên khu phố cổ (Old Havana), tôi thích nhất là Angel Hill. Một ngõ phố nhỏ lên dốc, một nhà thờ be bé trên đỉnh đồi. Con đường yên tĩnh, màu sắc hai bên mơ màng khiến người ta cứ muốn chìm đắm trong những giọt mật của hạnh phúc nội tại. Bởi vì tôi là người châu Á, José đề nghị tôi cùng “nhảy” xe taxi dù để tới China Town. China Town ở Havana không quá rộng lớn nhưng có lối trang trí đặc trưng: bảng hiệu chữ Tàu, đèn lồng đỏ treo cao giăng từ bên này sang bên kia phố, hàng quán san sát nhau, nhân viên các quán xá nhiệt tình cầm menu song ngữ tiếng Trung và Tây Ban Nha mời chào. Từ khi nào, China Town dần trở thành một điểm “must see” tại các thành phố lớn! Để tránh cái ồn ào của khách du lịch, chúng tôi lại lang thang đi ra con đường Prado nối trung tâm Havana ra bờ biển – nơi có ngọn hải đăng và con đường Malécon nổi tiếng. Chúng tôi quay trở lại quảng trường Plaza De Armas để thăm quan viện bảo tàng về nơi ở chính thức của những nhà cầm quyền thời kì trước Cách mạng. Vé vào cửa tuy không rẻ (5 CUC/ vé) nhưng những gì tôi được chiêm ngưỡng quả là “đáng đồng tiền bát gạo.” Tôi lang thang trong viện bảo tàng hơn một tiếng. Thời gian trôi đi thật nhanh! Bonus: Bữa tối nhẹ tại Sloppy Bar ở ngay trung tâm Havana với món tôm hùm Cuba trộn dầu ô-liu cùng một ly cocktail Ron Collins pha bằng rượu Rum trắng nổi tiếng tại xử sớ này khép lại một ngày mệt nhoài dưới cái nắng tươi rói của Trung Mỹ nhưng hoàn hảo với nhiều háo hức và niềm vui! Hi cả nhà mình, Tư đây! Hôm nay chiêu đãi cả nhà món Tây Tạng theo kiểu road trip nguyên chất nhé. Món này nấu mất 9 ngày 8 đêm chứ không phải như mỳ ăn liền trụng nước sôi bay vèo cái tới Lhasa - thủ phủ của Tây Tạng đâu! Mà bay thế cũng hại cái thân lắm, bị ốm vì độ cao ấy - bao gồm nhẹ là ói mửa, khó thở, ngất xỉu; nặng là vào chơi trong bệnh viện và ở lại qua đêm vài gày. Mất vui, mất thời gian và tốn bộn tiền không được việc gì! Tới cửa khẩu là các bạn hải quan Tung Cửa thu hết sách báo, tài liệu, bản đồ không thừa nhận Tây Tạng là một phần của Tung Cửa. Mình hem mang gì nên không bị tịch thu chứ mấy bạn tây hem biết là bị thu hết! Cơ mà mình đứng chơi ở chỗ nhập cảnh cả 20 phút ấy, vì các chú hải quan không dò ra được passport của mình ạ! Máy tính m-a-d-e i-n C-h-i-n-a có khác, gặp ca khó là cứ treo đứng luôn! Giọng văn ở dưới có phần Nghiêm Văn Túc, mong cả nhà lượng thứ. Bởi vì đăng báo lề phải nên cũng có tí Đàng Văn Hoàng. Xin mời, xin mời! Tây Tạng vốn nổi tiếng là vùng đất linh thiêng mộ đạo và mang trong mình những nét văn hóa đặc thù hầu như chưa bị cơn lốc đô thị hóa quét qua. Khao khát được cảm nhận sự nguyên sơ ấy, tôi ấp ủ kế hoạch rong ruổi trên những nẻo đường Tây Tạng. Tôi thu thập thông tin và phác thảo hành trình chuyến đi. Có ba con đường cơ bản để đến với Tây Tạng: xuyên qua Trung Quốc, hoặc qua biên giới Ấn Độ hay qua biên giới Nepal. Việc xin giấy phép đặc biệt vào Tây Tạng xuyên qua Trung Quốc hoặc từ Ấn Độ sang có vẻ khó khăn hơn, do đó tôi quyết định chọn con đường từ Nepal sang Tây Tạng. Việc xin vào Tây Tạng phải bao gồm Visa của Trung Quốc, giấy phép đặc biệt vào Tây Tạng và phải có tour guide có đầy đủ giấy tờ hành nghề dẫn đường. Đi Tây Tạng một mình là bất khả thi theo quy định của Trung Quốc vì vậy bạn buộc phải đi theo một nhóm khách du lịch. Giá của gói tour đi Tây Tạng 9 ngày 8 đêm từ Kathmandu, thủ đô của Nepal tới Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng có thể dao động từ 350 USD tới 1800 USD tùy vào quốc tịch và thời gian đăng kí tour. Tôi đăng kí tour trước 1 tháng và passport sẽ được giữ lại ít nhất 2 ngày trước ngày xuất phát để có đủ điều kiện vào Tây Tạng. Xuất phát từ thủ đô Kathmandu của Nepal, tôi hướng về cửa khẩu biên giới của Nepal và Trung Quốc. Đường đi lắt léo, thường một bên là vách nuí, một bên là vực sâu, tôi cảm nhận rõ rằng mình đang bước chân vào một chuyến phiêu lưu mới với nhiều bất ngờ phía trước. Cửa khẩu này tương đối tấp nập, chủ yếu là trung chuyển hàng hóa nhỏ lẻ giữa hai nước thông qua những người bốc vác thuê gồm cả nam và nữ. Đồng tiền lưu thông ở Tây Tạng là đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc. Bạn có thể đổi tiền tại bên kia hoặc bên này cửa khẩu giữa hai nước vì việc này tương đối phổ biến. Từ cửa khẩu , tôi hướng tiếp tới Nyalam là một thì trấn rất nhỏ của Tây Tạng. Lúc này bạn có thể cảm nhận rõ sự khác biệt về độ cao và sự khác nghiệt của thời tiết trên núi - trời trở nên lạnh cóng và giá buốt khác thường. Khi di chuyển tới khu vực quá cao so với mặt nước biển, cơ thể bạn có thể thích nghi không kịp và có những phản ứng như không thở được, nhức đầu, chảy máu mũi, mệt mỏi…Vì thế, bạn nên mua thuốc thích nghi với độ cao (Dimox) và uống một ngày trước khi khởi hành để đảm bảo sức khỏe cho một chặng đường dài nhiều vất vả. Ngoài ra, bạn phải mang theo ít nhất một áo khoác dầy để chống chọi lại cái giá buốt khác thường trên núi. Ở thị trấn nhỏ như Nyalam, không có khách sạn mà chỉ có Guest House và sẽ không có nước nóng vì thế sinh hoạt rất bất tiện. Tây Tạng nơi đây còn rất nghèo và rất đơn sơ. Thiên nhiên hùng vĩ bao la mở rộng cánh của cho tôi thưởng thức. Dọc đường đi, tôi gặp những khuôn mặt đặc trưng của người dân Tây Tạng, những cảnh chăn nuôi du mục với cừu, bò hay Yak (con vật giống như trâu có lông đen và dài) và thảng qua một vài chiếc xe công nông chở đầy người cùng gia súc. Một điều khá bất ngờ là đường sá được xây dựng rất tốt, mặt đường lát nhựa đường rộng và tương đối bằng phẳng. Điều này chứng tỏ một sự đầu tư khá kĩ lưỡng với một “tầm nhìn xa” của chính phủ Tung Cửa. Rời Nyalam tôi hướng tới Shigatse và Gyantse thông qua Lhatse. Shigatse có Tashi Lhunpo Monastery khá nổi tiếng, và là thủ phủ lớn thứ hai của Tây Tạng lại. Tại Gyantse có Khumbhum (Kumbum) Stupa và Phalkor (Palchoe) Monastery. Ở Tây Tạng, Đạo Phật phát triển cực thịnh. Tôi bắt đầu cảm nhận được sự mộ đạo của người dân Tây Tạng khi họ lần tràng hạt miệng nhẩm kinh rất thành tâm và cúng chất sáp (tương tự như nến, đèn cầy lát mỏng) để lửa trong các đền thờ luôn được thắp sáng. Ngoài tràng hạt, người dân Tây Tạng còn hay dùng Turning Wheel là vòng quay may mắn, vừa đi vừa quay vừa cầu nguyện. Thi thoảng tôi còn hay bắt gặp một vài người cúi rạp rồi nằm sát xuống đất vái, mội bước chân họ đều dừng lại như vậy cầu nguyện. Hẳn phải mộ đạo và thành tâm biết nhường nào họ mới có thể dành thời gian để nguyện cầu như vậy. Thật không sai khi nói Tây Tạng là miền đất thiêng liêng! Khi nhìn thấy những giá sách cổ xưa đựng đầy kinh Phật, lòng tôi không khỏi xúc động vì sự quý báu vô giá của quá khứ để lại cho sinh thời. Tôi bồi hồi nhớ đến sự vất vả của thầy trò Đường Tăng trên đường đi thỉnh Kinh trong Tây Du Kí của Ngô Thừa Ân. Tôi đang được nhìn thấy tận mắt những gì đã được đọc, được nghe và được xem. Món quà của cuộc sống đôi khi chính là sự tự thân trải nghiệm. Các vị vua và Dalai Lama của Tây Tạng được thờ cúng rất trịnh trọng. Họ là biểu tượng về chính trị và tôn giáo của vùng đất này. Dalai Lama thứ Năm được coi là Dalai Lama có nhiều công lao nhất vì những đóng góp tích cực và các công trình ông để lại cho đời sau. Các sư trong đền chùa và Monastery vẫn trau dồi Kinh sư đều đặn và có những buổi cầu nguyện tập thể nhiều lần một ngày trong các phòng hội đồng lớn. Ngoài ra họ còn có những buổi thảo luận và tranh luận trực tiếp tạo nên không khí học tập rất sôi động và tích cực. Thời gian trôi qua cùng những dãy núi hùng vĩ với những đỉnh núi phủ trắng tuyết giữa mùa hè, những dòng sông xanh biếc như màu của đại dương, bầu trời xanh thẳm mênh mông và những cơn gió sắc mạnh khiến đôi má tím lại. Hành trình của tôi thắm thoắt đã qua bốn ngày giữa thiên nhiên của đất Mẹ bao la. Đường tới Lhasa ngắn lại… Nhắc đến Tây Tạng, không thể không nhắc tới Lhasa, trái tim của Tây Tạng. Potala là biểu tượng của Lhasa nơi có cung điện mùa động là chốn nghỉ chân của vua Tây Tạng và các Dalai Lama thứ 6 và thứ 7. Lhasa để lại trong tôi nhiều cảm xúc lẫn lộn vì sự phát triển đô thị quá nhanh của nơi này. Có lẽ đây là điều tôi không mong đợi từ Lhasa vì tôi vẫn mang trong mình một mong mỏi về Tây Tạng nguyên sơ thuần khiết hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, Lhasa mang trong mình lớp áo khoác mới hiện đại như một tiểu Thượng Hải bởi sự đầu tư vào vùng công nghiệp và kinh tế mới theo chính sách của đất nước Trung Quốc. Dân số và đặc thù dân cư khu vực này cũng biến đổi mạnh mẽ theo tỉ lệ cứ 2 người Hán thì mới có 1 người Tây Tạng. Tuy nhiên, những kiến trúc đặc thù của Tây Tạng vẫn còn đó, người Tây Tạng vẫn ngày ngày quay đều Turning Wheel đổ ra đường từ rất sớm hướng về Potala để cầu nguyện là những gì vẫn in đậm trong trái tim tôi. Chia tay Tây Tạng, tôi mang về theo mình hai chiếc Turning Wheel kiểu dáng khác nhau làm kỉ niệm, chút trà khô ép thành bánh và một gói lá xông thiên nhiên của người Tây Tạng đốt lên có mùi thơm nồng nồng rất dễ chịu. Khi tạm quên nhịp sống vội vã nơi đô thị, tôi hi vọng mình lại có thể quay Turning Wheel, nhấp ngụm trà thơm nồng và nhóm lên mùi lá đặc trưng của vùng đất này để lấy lại sự thư thái trong tâm hồn. Tôi thấy tự hào khi mình đã thực hiện được chuyến đi ấp ủ nhiều năm, và đặc biệt hơn khi lâu lâu Chính Phủ Trung Quốc tạm dừng việc cấp phép vào Tây Tạng. Nhưng tôi hi vọng lệnh cấm này sẽ ít được ban hành bởi tôi mong rằng cơ hội được chiêm nghiệm một Tây Tạng nguyên sơ sẽ dành cho nhiều người nữa, nhất là những bạn trẻ năng động của Việt Nam. Hi cả nhà mình, Tư đây! Tư mới dọn dẹp lại trang web và blog cá nhân. Đối với thiết kế cũ, Tư chưa thật sự hài lòng lắm (Tư không cầu toàn nhưng mà đòi hỏi cao đối với bản thân). Dù rất yêu thời trang và nghệ thuật, Tư cảm thấy "nhạc nào cũng nhẩy" vừa loãng, vừa không phải điều Tư muốn làm đối với trang này. Vì thế, Tư chỉ muốn tập trung vào mảng du lịch - là mảng Tư làm tốt nhất và có nhiều kinh nghiệm hữu ích nhất cho cả nhà mình. Mọi người nhớ ủng hộ Tư nhé! Để khi nhắc tới Tư, là các bạn hình dung ra một con chim chích đang vui vẻ bay nhẩy! Điều Tư muốn không phải chỉ là kể ra câu chuyện và trải nghiệm của bản thân. Tư muốn nhiều hơn thế! Tư muốn truyền được lửa cảm hứng, động viên và hỗ trợ cả nhà mình - thông tin hoặc dịch vụ liên quan khi cả nhà hỏi và cần. Và cả nhà nhớ là chúng mình luôn học hỏi lẫn nhau, nên các bạn có gì hay và hữu ích về du lịch cũng chỉ cho Tư với nha! Quay trở lại đề tài ngày hôm nay, tại sao chúng ta nên chăm đi du lịch? Trước tiên, "trăm nghe không bằng một thấy"! Cả nhà có biết học cái gì là khó nhất không? Theo Tư, học khó nhất là "học chay" đấy. Tư còn nhớ rất rõ mình đã ghét môn hoá cấp III như thế nào! Chất này + chất kia = chất khác + khí/ kết tủa. Kết tủa màu gì, khí kiểu gì, tất cả "chay" hết. Thực là khó nhớ! Thực là khủng khiếp! May thay, du lịch cũng như học địa lý và lịch sử trên thực địa. Du lịch và "học chay" tựa như hai phạm trù đối lập nhau! Lên kế hoạch cho chuyến đi là học vài lần; tới tận nơi trải nghiệm là học thêm vài lần nữa; về nhà viết blog & review cho mọi người thêm vài lần nữa. Sơ sơ cả gần chục lần rồi! Tuy học có hơn mười lần nhưng dám cá là cả đời hem bao giờ quên! Nào thì nhìn thấy tượng Nữ Thần Tự Do ở nước Mỹ, nghĩ là to lắm. Tới tận nơi thì thấy huhu, không có bự như mình tưởng (Mặc dù chui vào trong được). So với Acropolis ở Athens, Hy Lạp, thì bé như cái mắt muỗi! Nào thì nhìn thấy người ta cưỡi con lạc đà dễ như ăn kẹo. Tới lúc cưỡi thật, duy chỉ việc leo lên lưng rồi chờ lạc đà đứng lên là đã hét ầm ĩ vì bất ngờ bay bổng lên không trung. Cưỡi lạc đà một bướu như ngồi trên ghế cao gần 2m, ngất nga ngất ngưởng đi khắp sa mạc, đồng cát! Những điều đó, nếu chỉ xem qua TV và internet chắc thu được 5% cái hay, cái thú. 95% còn lại đang chờ bạn ở trải nghiệm thực tế. Tiếp theo, du lịch làm tăng sự tự tin theo cấp số nhân bởi vì chúng ta không còn ngại hỏi, hoặc "giấu dốt" nữa. Tới một vùng đất mới, có nhiều điều khác biệt, chúng ta buộc phải hỏi han, hoặc quan sát và làm theo. Các cụ nói "cái miệng đỡ cái thân", hay "đường ở miệng chúng ta chứ đâu" cấm có sai! Hỏi han (hỏi đúng trọng tâm nhá) trở thành thói quen. Thế là, sự ngại ngùng hoặc thói quen xấu "giấu dốt" cũng dần biến mất. Còn không là người Việt Nam mình cứ ấm ấm ớ ớ, ngại đủ thứ vô lý trong khi có ai thèm quan tâm bạn giỏi giang hay ấm ớ tới mức nào đâu! Hihi Hơn nữa, du lịch là cách đầu tư vào bản thân hiệu quả nhất. Tiêu tiền cho mình là một này, tiêu tiền cho việc "học trên thực địa" (là du lịch đấy) là hai này, tiêu tiền cho việc nhớ bài học cả đời là ba này. Thế thì còn kiểu tiêu tiền nào là hiệu quả hơn đâu nhỉ?! Kể cho các bạn nghe chuyện này. Tư biết có chị kia giàu lắm (triệu phú liên đô-la chứ chẳng chơi!). Một phần tiền mặt thì để trong két nhưng vẫn sợ mất nên cứ loanh qua loanh quanh gần nhà. Đi đâu vài tiếng là phải quay về nhà (vì sợ trộm khoắng mất xèng) thì mới yên tâm. Nói tói lại, chẳng dám đi đâu! Thế thì tiền thành "cục nợ", thành "ông chủ" và biến người sở hữu như "con gà loanh quanh cối xay". (gà = ếch = chả biết gì ấy). Nếu soi gương và thành thật với bản thân, chả ai muốn chọn cuộc sống như thế! Nhưng vì ít đi đây đi đó, trí huệ mờ nhạt nên lại không nhận thức ra được là tuy có tiền, chung quy lại đang khổ sở vì tiền! Kiếm tiền không khó! Biết tiêu tiền mới khó! Không phải cứ có nhiều tiền là biết tiêu tiền, không phải cứ có nhiều tiền là không bần tiện, keo kiệt, bủn xỉn hoặc có văn hoá. Nguy ăn không quá 3 bữa, ngủ không quá 2m2, tèo thì không mang theo được cái gì, com cóp lại cho cọp nó xơi, không cái dại nào bằng cái dại nào nhỉ?! Ngoài ra, du lịch khiến chúng ta hạnh phúc hơn: Biết yêu bản thân nhất, biết trân trọng bản thân, biết buông bỏ, bớt tà tâm (black heart), bớt đố kỵ và hành hạ người khác. Tư biết nhà kia, vợ chồng sống với nhau như hai cái máy, chả quan tâm gì tới nhau, mặt đối mặt nhưng "tâm" mỗi người một nơi. Sống cứ vô hồn với nhau, "đồng sàng dị mộng". Ông chồng tư duy nghèo nàn nên dù bỏ nhau rồi cứ dòm ngó cuộc sống của đối phương rồi gato. Người ta nói png chồng không sớm thì muộn cũng tâm bệnh mà phát điên vì không tập trung sống cho mình, hàng ngày cứ ghen ghét, cau có, bực bội. Phật nhìn chắc cũng phải bó tay! (À thực ra thì đàn bà hay mắc bệnh nay nhiều hơn, nhất là mấy người ác tâm. Xin lỗi các ông chồng hé hé, tuỳ người, tuỳ người!). Thêm nữa, du lịch khiến ta mở mang tầm mắt. Mở mang rồi thì hết muốn làm người "nhất" (à, giỏi nhất, giàu nhất, xinh đẹp nhất, bla bla nhất ấy. Oẹ oẹ..). Chỉ có ếch ngồi giếng nhỏ mới thích lấy dây buộc cổ vào hòn đá đòi mình phải "nhất". Cái này hoàn toàn khác với chí tiến thủ, luôn vươn lên tốt hơn ngày hôm qua. Hi hi, cổ nhân nói, "Núi cao còn có núi cao hơn" nên đừng tự làm khổ mình thế, hỡi những con ếch! Thầy của Tư cũng nói "Anh không biết anh nghèo cho tới khi có người giàu hơn tới chỉ cho anh thấy." Chúc may mắn, chúc may mắn! Bên cạnh đó, đi du lịch nhiều làm phụ nữ và phụ nam sáng sủa, xinh đẹp ra. Khí chất tốt toả ra như hào quang ấy! Chắc vì vui sướng, hứng khởi và hạnh phúc làm chúng ta chăm cười hơn --> xinh đẹp/ đẹp trai hơn. Chuẩn hem nào? :"> Đồng thời, xu hướng con người chúng ta là hoàn thiện bản thân. Du lịch trao cho chúng ta cơ hội hoàn thiện bản thân một cách dũng cảm. Giống như ném một người lên một "nơi xa lạ" và người đó phải tự dùng kĩ năng của mình để tồn tại. Các bạn nhớ dắt lưng chút vốn tiếng Anh tôn tốt. Tất nhiên, nếu không biết tiếng Anh thì vẫn đi được nhưng có tiếng Anh thì đi tốt hơn rất nhiều. U70 hay U60 thì Tư không dám bàn tới. Nhưng kiểu U45 và trẻ hơn bây giờ mà không có tí tiếng Anh lận lưng là kiểu cũng hơi cổ cổ, không chịu học rồi. Mà học mãi mà tiếng Anh vẫn không ra gì thì càng đáng trách hơn ấy! Thành thật mà nói là thế. Tư viết cũng đã dài, Tư xin dừng oánh bàn phím tại đây. Năm nay Tư ở Việt Nam rất ít ngày, chủ yếu đi khắp nơi, may có Internet để chúng ta vẫn yêu thương nhau! Trong 9 phút biết ơn sáng ngày mai, Tư sẽ dành 3 phút để cám ơn thần Internet. Yêu cả nhà mình! Anh Tư |
Liên hệ công việc
[email protected] Xin chào,Tôi là Alex Tu - tác giả về các đề tài phát triển bản thân, tài chính cá nhân, du lịch và phong cách sống. Tôi đã đặt chân tới gần 90 quốc gia & đặc khu. Tôi sẽ tiếp tục khám phá và trải nghiệm nhiều hơn. Categories
All
Archives
October 2023
|