Hi cả nhà mình, Tư đây! Hôm nay chiêu đãi cả nhà món Tây Tạng theo kiểu road trip nguyên chất nhé. Món này nấu mất 9 ngày 8 đêm chứ không phải như mỳ ăn liền trụng nước sôi bay vèo cái tới Lhasa - thủ phủ của Tây Tạng đâu! Mà bay thế cũng hại cái thân lắm, bị ốm vì độ cao ấy - bao gồm nhẹ là ói mửa, khó thở, ngất xỉu; nặng là vào chơi trong bệnh viện và ở lại qua đêm vài gày. Mất vui, mất thời gian và tốn bộn tiền không được việc gì! Tới cửa khẩu là các bạn hải quan Tung Cửa thu hết sách báo, tài liệu, bản đồ không thừa nhận Tây Tạng là một phần của Tung Cửa. Mình hem mang gì nên không bị tịch thu chứ mấy bạn tây hem biết là bị thu hết! Cơ mà mình đứng chơi ở chỗ nhập cảnh cả 20 phút ấy, vì các chú hải quan không dò ra được passport của mình ạ! Máy tính m-a-d-e i-n C-h-i-n-a có khác, gặp ca khó là cứ treo đứng luôn! Giọng văn ở dưới có phần Nghiêm Văn Túc, mong cả nhà lượng thứ. Bởi vì đăng báo lề phải nên cũng có tí Đàng Văn Hoàng. Xin mời, xin mời! Tây Tạng vốn nổi tiếng là vùng đất linh thiêng mộ đạo và mang trong mình những nét văn hóa đặc thù hầu như chưa bị cơn lốc đô thị hóa quét qua. Khao khát được cảm nhận sự nguyên sơ ấy, tôi ấp ủ kế hoạch rong ruổi trên những nẻo đường Tây Tạng. Tôi thu thập thông tin và phác thảo hành trình chuyến đi. Có ba con đường cơ bản để đến với Tây Tạng: xuyên qua Trung Quốc, hoặc qua biên giới Ấn Độ hay qua biên giới Nepal. Việc xin giấy phép đặc biệt vào Tây Tạng xuyên qua Trung Quốc hoặc từ Ấn Độ sang có vẻ khó khăn hơn, do đó tôi quyết định chọn con đường từ Nepal sang Tây Tạng. Việc xin vào Tây Tạng phải bao gồm Visa của Trung Quốc, giấy phép đặc biệt vào Tây Tạng và phải có tour guide có đầy đủ giấy tờ hành nghề dẫn đường. Đi Tây Tạng một mình là bất khả thi theo quy định của Trung Quốc vì vậy bạn buộc phải đi theo một nhóm khách du lịch. Giá của gói tour đi Tây Tạng 9 ngày 8 đêm từ Kathmandu, thủ đô của Nepal tới Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng có thể dao động từ 350 USD tới 1800 USD tùy vào quốc tịch và thời gian đăng kí tour. Tôi đăng kí tour trước 1 tháng và passport sẽ được giữ lại ít nhất 2 ngày trước ngày xuất phát để có đủ điều kiện vào Tây Tạng. Xuất phát từ thủ đô Kathmandu của Nepal, tôi hướng về cửa khẩu biên giới của Nepal và Trung Quốc. Đường đi lắt léo, thường một bên là vách nuí, một bên là vực sâu, tôi cảm nhận rõ rằng mình đang bước chân vào một chuyến phiêu lưu mới với nhiều bất ngờ phía trước. Cửa khẩu này tương đối tấp nập, chủ yếu là trung chuyển hàng hóa nhỏ lẻ giữa hai nước thông qua những người bốc vác thuê gồm cả nam và nữ. Đồng tiền lưu thông ở Tây Tạng là đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc. Bạn có thể đổi tiền tại bên kia hoặc bên này cửa khẩu giữa hai nước vì việc này tương đối phổ biến. Từ cửa khẩu , tôi hướng tiếp tới Nyalam là một thì trấn rất nhỏ của Tây Tạng. Lúc này bạn có thể cảm nhận rõ sự khác biệt về độ cao và sự khác nghiệt của thời tiết trên núi - trời trở nên lạnh cóng và giá buốt khác thường. Khi di chuyển tới khu vực quá cao so với mặt nước biển, cơ thể bạn có thể thích nghi không kịp và có những phản ứng như không thở được, nhức đầu, chảy máu mũi, mệt mỏi…Vì thế, bạn nên mua thuốc thích nghi với độ cao (Dimox) và uống một ngày trước khi khởi hành để đảm bảo sức khỏe cho một chặng đường dài nhiều vất vả. Ngoài ra, bạn phải mang theo ít nhất một áo khoác dầy để chống chọi lại cái giá buốt khác thường trên núi. Ở thị trấn nhỏ như Nyalam, không có khách sạn mà chỉ có Guest House và sẽ không có nước nóng vì thế sinh hoạt rất bất tiện. Tây Tạng nơi đây còn rất nghèo và rất đơn sơ. Thiên nhiên hùng vĩ bao la mở rộng cánh của cho tôi thưởng thức. Dọc đường đi, tôi gặp những khuôn mặt đặc trưng của người dân Tây Tạng, những cảnh chăn nuôi du mục với cừu, bò hay Yak (con vật giống như trâu có lông đen và dài) và thảng qua một vài chiếc xe công nông chở đầy người cùng gia súc. Một điều khá bất ngờ là đường sá được xây dựng rất tốt, mặt đường lát nhựa đường rộng và tương đối bằng phẳng. Điều này chứng tỏ một sự đầu tư khá kĩ lưỡng với một “tầm nhìn xa” của chính phủ Tung Cửa. Rời Nyalam tôi hướng tới Shigatse và Gyantse thông qua Lhatse. Shigatse có Tashi Lhunpo Monastery khá nổi tiếng, và là thủ phủ lớn thứ hai của Tây Tạng lại. Tại Gyantse có Khumbhum (Kumbum) Stupa và Phalkor (Palchoe) Monastery. Ở Tây Tạng, Đạo Phật phát triển cực thịnh. Tôi bắt đầu cảm nhận được sự mộ đạo của người dân Tây Tạng khi họ lần tràng hạt miệng nhẩm kinh rất thành tâm và cúng chất sáp (tương tự như nến, đèn cầy lát mỏng) để lửa trong các đền thờ luôn được thắp sáng. Ngoài tràng hạt, người dân Tây Tạng còn hay dùng Turning Wheel là vòng quay may mắn, vừa đi vừa quay vừa cầu nguyện. Thi thoảng tôi còn hay bắt gặp một vài người cúi rạp rồi nằm sát xuống đất vái, mội bước chân họ đều dừng lại như vậy cầu nguyện. Hẳn phải mộ đạo và thành tâm biết nhường nào họ mới có thể dành thời gian để nguyện cầu như vậy. Thật không sai khi nói Tây Tạng là miền đất thiêng liêng! Khi nhìn thấy những giá sách cổ xưa đựng đầy kinh Phật, lòng tôi không khỏi xúc động vì sự quý báu vô giá của quá khứ để lại cho sinh thời. Tôi bồi hồi nhớ đến sự vất vả của thầy trò Đường Tăng trên đường đi thỉnh Kinh trong Tây Du Kí của Ngô Thừa Ân. Tôi đang được nhìn thấy tận mắt những gì đã được đọc, được nghe và được xem. Món quà của cuộc sống đôi khi chính là sự tự thân trải nghiệm. Các vị vua và Dalai Lama của Tây Tạng được thờ cúng rất trịnh trọng. Họ là biểu tượng về chính trị và tôn giáo của vùng đất này. Dalai Lama thứ Năm được coi là Dalai Lama có nhiều công lao nhất vì những đóng góp tích cực và các công trình ông để lại cho đời sau. Các sư trong đền chùa và Monastery vẫn trau dồi Kinh sư đều đặn và có những buổi cầu nguyện tập thể nhiều lần một ngày trong các phòng hội đồng lớn. Ngoài ra họ còn có những buổi thảo luận và tranh luận trực tiếp tạo nên không khí học tập rất sôi động và tích cực. Thời gian trôi qua cùng những dãy núi hùng vĩ với những đỉnh núi phủ trắng tuyết giữa mùa hè, những dòng sông xanh biếc như màu của đại dương, bầu trời xanh thẳm mênh mông và những cơn gió sắc mạnh khiến đôi má tím lại. Hành trình của tôi thắm thoắt đã qua bốn ngày giữa thiên nhiên của đất Mẹ bao la. Đường tới Lhasa ngắn lại… Nhắc đến Tây Tạng, không thể không nhắc tới Lhasa, trái tim của Tây Tạng. Potala là biểu tượng của Lhasa nơi có cung điện mùa động là chốn nghỉ chân của vua Tây Tạng và các Dalai Lama thứ 6 và thứ 7. Lhasa để lại trong tôi nhiều cảm xúc lẫn lộn vì sự phát triển đô thị quá nhanh của nơi này. Có lẽ đây là điều tôi không mong đợi từ Lhasa vì tôi vẫn mang trong mình một mong mỏi về Tây Tạng nguyên sơ thuần khiết hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, Lhasa mang trong mình lớp áo khoác mới hiện đại như một tiểu Thượng Hải bởi sự đầu tư vào vùng công nghiệp và kinh tế mới theo chính sách của đất nước Trung Quốc. Dân số và đặc thù dân cư khu vực này cũng biến đổi mạnh mẽ theo tỉ lệ cứ 2 người Hán thì mới có 1 người Tây Tạng. Tuy nhiên, những kiến trúc đặc thù của Tây Tạng vẫn còn đó, người Tây Tạng vẫn ngày ngày quay đều Turning Wheel đổ ra đường từ rất sớm hướng về Potala để cầu nguyện là những gì vẫn in đậm trong trái tim tôi. Chia tay Tây Tạng, tôi mang về theo mình hai chiếc Turning Wheel kiểu dáng khác nhau làm kỉ niệm, chút trà khô ép thành bánh và một gói lá xông thiên nhiên của người Tây Tạng đốt lên có mùi thơm nồng nồng rất dễ chịu. Khi tạm quên nhịp sống vội vã nơi đô thị, tôi hi vọng mình lại có thể quay Turning Wheel, nhấp ngụm trà thơm nồng và nhóm lên mùi lá đặc trưng của vùng đất này để lấy lại sự thư thái trong tâm hồn. Tôi thấy tự hào khi mình đã thực hiện được chuyến đi ấp ủ nhiều năm, và đặc biệt hơn khi lâu lâu Chính Phủ Trung Quốc tạm dừng việc cấp phép vào Tây Tạng. Nhưng tôi hi vọng lệnh cấm này sẽ ít được ban hành bởi tôi mong rằng cơ hội được chiêm nghiệm một Tây Tạng nguyên sơ sẽ dành cho nhiều người nữa, nhất là những bạn trẻ năng động của Việt Nam.
0 Comments
Your comment will be posted after it is approved.
Leave a Reply. |
Liên hệ công việc
[email protected] Xin chào,Tôi là Alex Tu - tác giả về các đề tài phát triển bản thân, tài chính cá nhân, du lịch và phong cách sống. Tôi đã đặt chân tới gần 90 quốc gia & đặc khu. Tôi sẽ tiếp tục khám phá và trải nghiệm nhiều hơn. Categories
All
Archives
October 2023
|