Alex Tu xin chào bạn, Chào mừng bạn trở lại với chia sẻ phần thứ 3 trong loạt bài về bảo hiểm của Alex Tu. Nhắc lại Trước khi trình bày nội dung bài viết lần này, tôi xin nhắc lại một số vấn đề: - Đây là phần thứ 3 trong loạt bài viết về bảo hiểm. Các bạn có thể đọc lại: + Phần 1: Phân biệt giữa bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ + Phần 2: 3 Câu hỏi bạn cần nghĩ tới đầu tiên khi mua bảo hiểm nhân thọ - Cá nhân tôi là người mua bảo hiểm (1 bảo hiểm y tế và 3 bảo hiểm nhân thọ cho bản thân) nhưng tôi không phải là một chuyên gia hoặc đại lý bảo hiểm nhân thọ. Vì vậy, những thông tin tôi đưa ra có tính chất khái quát để tham khảo nhằm giúp bạn đọc bớt băn khoăn phần nào trước khi quyết định mua một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. - Nếu bạn ở TP.HCM, tôi có thể giúp bạn kết nối với các đại lý bảo hiểm uy tín cùng các sản phẩm bảo hiểm hữu ích nhất để hỗ trợ bảo vệ gia đình bạn. Các bạn có thể liên hệ với tôi qua tin nhắn facebook (Messenger). Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian cho cả hai, tôi đề nghị bạn ghi thẳng câu hỏi cho tôi trong phần tin nhắn. Sau đây là 10 điều đáng lưu ý về một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ 1. Mua sớm phí đóng sẽ ít hơn Điều này đúng với đa số các trường hợp trong bảo hiểm nhân thọ: Khi tuổi bạn tăng thêm, phí đóng bảo hiểm sẽ tăng thêm. Vì thế, tham gia bảo hiểm nhân thọ càng sớm, phí đóng càng ít hơn (trên cùng một loại sản phẩm, cùng các yếu tố khác). 2. Có kế hoạch và nguồn tiền để dành riêng cho bảo hiểm Cá nhân tôi quan niệm trong khía cạnh tài chính cá nhân của mình, bảo hiểm nhân thọ không phải là một loại chi phí mà tôi cho đó là một loại tiền Bảo Vệ. (cùng với các khoản Tiết Kiệm, Đầu Tư, Chi Tiêu). Tiền Bảo Vệ này giúp tôi yên tâm sống và tiếp tục lao động. Tuy nhiên, để được bảo vệ tốt, hẳn nhiên số tiền tôi chi ra cho bảo hiểm nhân thọ phải diễn ra trong một thời gian tương đối dài (10 năm, 15 năm, ...) và không thể là một số tiền cỏn con hoặc bèo bọt. Điều này có nghĩa, hàng tháng, hàng quý, hàng nửa năm hoặc một năm, tôi phải "trừ xoẳn" ra một khoản để đóng phí bảo hiểm. Do đó, tôi luôn luôn phải có kế hoạch và nguồn tiền dành riêng cho bảo hiểm. Khoản tiền đóng bảo hiểm này hiện nay, với cá nhân tôi, được ưu tiên, theo thứ tự là: (1) Tiết Kiệm, (2) Bảo Vệ/ Bảo Hiểm, (3) Đầu Tư và (4) Chi Tiêu. Ở đây tôi chỉ nói tới thứ tự ưu tiên chứ không nói tới thứ tự về mặt số tiền. 3. Người được bảo hiểm và người mua bảo hiểm Trong bảo hiểm nhân thọ, người được bảo hiểm là NGƯỜI CÓ đối tượng bảo hiểm (tính mạng, sức khoẻ, tuổi thọ). Ví dụ, - Anh A có sức khoẻ được bảo hiểm ---> anh A là người được bảo hiểm, sức khoẻ của anh A là đối tượng bảo hiểm. - Chị B có tính mạng được bảo hiểm ---> chị B là người được bảo hiểm, tính mạng của chị B là đối tượng bảo hiểm. Thông thường, người được bảo hiểm phải ưu tiên người lớn trụ cột trong gia đình (thay vì người lớn nhưng không phải trụ cột hoặc trẻ trong gia đình). Bởi vì, người lớn nhiều rủi ro hơn trẻ em và người lớn là người mang nguồn thu nhập về cho gia đình chứ không phải trẻ em. Trong bảo hiểm nhân thọ, người mua bảo hiểm là chủ của hợp đồng bảo hiểm và chịu trách nhiệm đóng phí bảo hiểm hợp pháp. Có 2 trường hợp: (1) Người mua bảo hiểm chính là người được bảo hiểm. hoặc (2) Nếu người mua bảo hiểm không phải là người được bảo hiểm thì hiện nay, có yêu cầu về hôn phối, ruột thịt giữa người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm. Ví dụ, - Anh A mua bảo hiểm nhân thọ cho chính mình, đối tượng bảo hiểm là sức khoẻ của anh A ---> anh A đóng phí bảo hiểm ----> anh A là người mua bảo hiểm và anh A cũng chính là người được bảo hiểm. - Chị B mua bảo hiểm nhân thọ cho anh chồng của mình (quan hệ hôn phối nên được phép), đối tượng bảo hiểm là tính mạng của anh chồng ---> chị B đóng phí bảo hiểm (và là chủ hợp đồng bảo hiểm) ---> chị B là người mua bảo hiểm, anh chồng là người được bảo hiểm. 4. Người thụ hưởng Hiểu ngắn gọn nhất, người thụ hưởng là người được nhận hợp pháp số tiền đền bù lớn nhất khi người được bảo hiểm (người có đối tượng được bảo hiểm) tử vong. Người thụ hưởng có thể thay đổi được trong suốt thời hạn hợp đồng. Ngoài ra, người thụ hưởng không nhất thiết là người mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm. Ví dụ, anh A mua gói bảo hiểm nhân thọ và đóng phí bảo hiểm, người được bảo hiểm là chị vợ, nhưng người thụ hưởng có thể là con của hai người hoặc mẹ của anh A. 5. Mệnh giá bảo hiểm Mệnh giá bảo hiểm là số tiền được đền bù tối thiểu khi người được bảo hiểm tử vong trong giai đoạn được bảo hiểm bảo vệ. Về mặt lý thuyết, giả sử anh A là trụ cột gia đình với thu nhập a (triệu đồng/ tháng) và gia đình cần y năm để ổn định nếu anh A mất đi, thì mệnh giá bảo hiểm được tính toán thử sẽ là: a (triệu đồng/ tháng ) x 12 (tháng) x y (năm) - Ví dụ 1, anh A có thu nhập 30 triệu đồng/ tháng, nhà có thêm 1 vợ 1 con phụ thuộc, và giả sử nếu anh A mất đi, vợ con anh cần 5 năm để ổn định lại, thì mệnh giá bảo hiểm được xem xét sẽ là: 30 (triệu đồng/ tháng) x 12 (tháng) x 5 (năm) = 1.800.000.000 (1 tỷ 800 triệu) - Ví dụ 2, cũng anh A như trên, nhưng chị vợ "kém" hơn (kiếm tiền không tốt bằng, tinh thần không mạnh mẽ bằng, khả năng quán xuyên gia đình tồi hơn), cần 10 năm để ổn định lại, thì mệnh giá bảo hiểm được xem xét sẽ là: 30 (triệu đồng/ tháng) x 12 (tháng) x 10 (năm) = 3.600.000.000 (3 tỷ 600 triệu) - Ví dụ 3, cũng anh A như trên, nhưng nhà có 1 vợ 1 con và 1 mẹ già phụ thuộc, và giả sử nếu anh A mất đi, vợ con và mẹ già của anh cần 10 năm để ổn định lại, thì mệnh giá bảo hiểm được xem xét sẽ là: 30 (triệu đồng/ tháng) x 12 (tháng) x 10 (năm) = 3.600.000.000 (3 tỷ 600 triệu) Như vậy, ta thấy: - Càng nhiều người phụ thuộc, càng mất nhiều thời gian để gia đình ổn định sau khi người mang về thu nhập trụ cột cho gia đình mất đi, thì mệnh giá bảo hiểm càng phải lớn để những người còn lại được đảm bảo tốt hơn. - Con số y = 10 năm hay được lựa chọn vì theo thống kê, một gia đình cần trung bình 10 năm để ổn định lại nếu như người trụ cột trong gia đình mất đi. 6. Phí đóng bảo hiểm Là khoản tiền mà người mua bảo hiểm phải đóng định kỳ (hoặc công ty bảo hiểm phải thu định kỳ) để đảm bảo trách nhiệm chi trả của công ty bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Đây là khoản tiền mà bạn phải "trừ xoẳn" ra hàng tháng (hoặc hàng kỳ theo lựa chọn của bạn) để duy trì hợp đồng bảo hiểm. Phí đóng bảo hiểm có thể lựa chọn theo đóng hàng tháng, hàng quý, hàng nửa năm hoặc hàng năm. 7. Điều khoản loại trừ Hiểu nôm na là những trường hợp mà công ty bảo hiểm từ chối đền tiền. Hợp đồng bảo hiểm nào cũng có điều khoản loại trừ để tránh những trường hợp dùng bảo hiểm để trục lợi, đảm bảo các giá trị nhân văn. Các điều khoản loại trừ có thể giống hoặc khác nhau tuỳ hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ, điều khoản loại trừ: công ty bảo hiểm có thể không đền tiền bảo hiểm nếu người được bảo hiểm tự tử trong thời gian loại trừ, cố tình giấu bệnh lý đã biết và tử vong vì bênh lý đó, tham gia các môn thể thao nguy hiểm đã được liệt kê loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm, ... 8. Ngày hiệu lực hợp đồng Cột mốc thời gian CỰC KỲ QUAN TRỌNG (có thể nói là quan trọng nhất) vì kể từ thời điểm này, người được bảo hiểm đã được bảo hiểm, những rủi ro xảy ra với người được bảo hiểm có thể trở thành sự kiện bảo hiểm và công ty bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường (đền) những tổn thất đã xảy ra. Luôn luôn, nhớ nhé, luôn luôn nắm được ngày hiệu lực hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là ngày nào. 9. Thời gian chờ Là khoảng thời gian kể từ khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực cho tới khi người tham gia được hưởng quyền lợi bảo hiểm đó. Ví dụ, - Thời gian chờ của tai nạn là 0 ngày ---> khoảng thời gian kể từ khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực cho tới khi người được bảo hiểm được bảo vệ về mặt tai nạn là 0 ngày. - Thời gian chờ của y tế nằm viện là 30 ngày ---> khoảng thời gian kể từ khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực cho tới khi người được bảo hiểm được bảo vệ về mặt y tế nằm viện là 30 ngày. - Thời gian chờ của bệnh lý nghiêm trọng (được liệt kê cụ thể) là 90 ngày khoảng thời gian kể từ khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực cho tới khi người được bảo hiểm được bảo vệ trước những bệnh lý nghiêm trọng (được liệt kê cụ thể) là 90 ngày. Chú ý thời gian cân nhắc: là khoảng thời gian 14-21 kể từ ngày hiệu lực hợp đồng (mục 8), bên mua bảo hiểm có thể huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm (đổi ý không mua nữa) và được hoàn trả lại 100% phí bảo hiểm dã nộp. Ví dụ, anh A mua bảo hiểm sản phẩm An An Lành Lành, ngày hiệu lực hợp đồng là ngày 05/01/2019. Nhưng tới ngày 10/01/2019 anh A đổi ý không muốn mua nữa. Từ ngày 05/01 tới ngày 10/01/2019 là 06 ngày vẫn nằm trong thời gian cân nhắc cho phép nên anh A được hoàn trả lại 100% tiền phí đã đóng. 10. Hạn mức tối đa và tối thiểu mỗi lần chi trả Là số tiền lớn nhất và thấp nhất cho mỗi lần chi trả của công ty bảo hiểm nếu công ty bảo hiểm có nghĩa vụ đền bù tổn thất. Tất cả các mức này nếu có đề ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Hi vọng các bạn đã bớt bối rối khi sắp phải chọn mua cho bản thân hoặc gia đình một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Bài viết trên đây chỉ nhằm để các bạn tham khảo, tất cả mọi điều liên quan tới trường hợp của bạn đều được quy định đầy đủ trong hợp đồng bảo hiểm. Vì thế, HÃY LUÔN LUÔN ĐỌC KỸ HỢP ĐỒNG để nắm được quyền lợi của mình. Thân, Nhà văn tối giản du lịch Alex Tu (Tối giản, Tài chính cá nhân, Du lịch lifestyle)
5 Comments
Việt Chinh
2/15/2019 05:21:20 pm
em chào chị, em cảm ơn chị về những lời khuyên bổ ích chị cung cấp.
Reply
Alex Tu
2/19/2019 01:27:07 pm
Hi Chinh,
Reply
Duy Phạm
2/27/2019 12:22:09 pm
Chào Alex Tu,
Reply
Alex Tu
2/27/2019 12:53:42 pm
Hi bạn Duy Phạm, Cám ơn bạn đã yêu thích blog.
Reply
Duy Phạm
2/27/2019 02:12:16 pm
Cám ơn nàng. Your comment will be posted after it is approved.
Leave a Reply. |
Liên hệ công việc
[email protected] Xin chào,Tôi là Alex Tu - tác giả về các đề tài phát triển bản thân, tài chính cá nhân, du lịch và phong cách sống. Tôi đã đặt chân tới gần 90 quốc gia & đặc khu. Tôi sẽ tiếp tục khám phá và trải nghiệm nhiều hơn. Categories
All
Archives
October 2023
|