Xin chào, Chào mừng các bạn đã quay trở lại với chuyên mục Tài Chính Cá Nhân của Alex Tu. Rất xin lỗi vì tôi đã có thời gian đi châu Phi hơi dài. Nhưng hôm nay tôi sẽ đền bù cho các bạn một bài viết khá sâu về 5 con số quan trọng nhất trong lĩnh vực tài chính cá nhân. Hãy kiên trì giáo dục tài chính cá nhân cho bản thân nhé. Chắc chắn bạn sẽ hái quả ngọt! 1. Tiền chi trung bình một tháng Vì sao con số này quan trọng? Vì nó cho bạn được con số cụ thể về mục tiêu kiếm tiền, dự trù kế hoạch chi tiêu và (quan trọng lắm đây) tiền tích luỹ cần có khi bắt đầu nghỉ hưu. Khi có sức trẻ và sức khoẻ, mọi việc đơn giản và khả thi. Nhưng khi cơ thể qua ngưỡng 40, sức khoẻ và sức trẻ sẽ mất dần, mọi việc không còn đơn giản nữa và có khi rất rất khó khăn! Cách tính? Bước 1: Ghi chép cẩn thận Bất cứ khoản nào chi tiêu trong tháng, (giả sử 1/10 tới 31/10 hoặc 27/9 tới 26/10 đều chấp nhận được), bạn cũng phải ghi chép lại. Ví dụ, Ngày 27/09/2018 Khoản chi 1: ăn sáng Số tiền: 30.000 Thuộc nhóm: ăn uống Lưu ý: bánh mì kẹp thịt đầu hẻm; Ngày 28/09/2018 Khoản chi 2: sách Quý Cô Tối Giản Số tiền: 109.000 Thuộc nhóm: giáo dục, đào tạo bản thân Lưu ý: đặt online trên Tiki, được tích xu Tiki; Ngày 29/09/2018 Khoản chi 3: đi Grab Số tiền: 15.000 Thuộc nhóm: đi lại, di chuyển Lưu ý: đi từ office tới Saigon Books; Khoản chi 4, khoản chi 5, ..., khoản chi N. (Sổ tay Power Thinking Notebook by Alex Tu có thiết kế chi tiết cho từng ngày, rất hữu dụng cho việc quản lý tài chính cá nhân và công việc cực kỳ hiệu quả. Cuốn sổ bé nhỏ này được thiết kế và liên tục cải tiến trong nhiều năm đã thay đổi cuộc đời của tôi và hàng ngàn người!) Bước 2: Tính tổng Tiền chi trong một tháng là tổng của tất cả các khoản chi như trên trong một tháng. Tiền chi trong tháng = Khoản chi 1 + Khoản chi 2 + Khoản chi 3 + ... + Khoản chi N Thông thường, tiền chi tiêu mỗi tháng có thể xê dịch, khác nhau ít nhiều. Bạn nên theo dõi tỉ mẩn từ 3 tới 6 tháng để tìm được con số trung bình gần đúng nhất. Theo dõi 6 tháng thì sẽ có sai số ít hơn là theo dõi 3 tháng. Tuy nhiên, với những bạn chi tiêu "đều tay" ít đột biến lớn thì theo dõi 3 tháng cũng có thể cho ra kết quả tạm ổn. Bước 3: Tính trung bình Tiền chi trung bình một tháng là trung bình cộng của tiền chi các tháng bạn theo dõi. - Nếu bạn theo dõi 3 tháng: Tiền chi trung bình một tháng = (Tiền chi trong tháng đầu tiên theo dõi + Tiền chi trong tháng thứ hai theo dõi + Tiền chi trong tháng thứ ba theo dõi) / 3 - Nếu bạn theo dõi 6 tháng: Tiền chi trung bình một tháng = (Tiền chi trong tháng đầu tiên theo dõi + Tiền chi trong tháng thứ hai theo dõi + ... + Tiền chi trong tháng thứ sáu theo dõi) / 6 - Nếu bạn theo dõi n tháng: Tiền chi trung bình một tháng = (Tiền chi trong tháng đầu tiên theo dõi + Tiền chi trong tháng thứ hai theo dõi + ... + Tiền chi trong tháng thứ n theo dõi) / n 2. Tiền thu trung bình một tháng Vì sao con số này quan trọng? Vì nó cho bạn được con số cụ thể về khả năng kiếm tiền (biết ta và biết kế hoạch của ta, không cần biết người), dự trù kế hoạch để dành + đầu tư + nghỉ hưu + các khoản chi tiêu khác và (quan trọng lắm đây) số tiền cần tích luỹ hàng tháng để đạt được mục tiêu nghỉ hưu. Cách tính? tương tự như với khoản chi Bước 1: Ghi chép cẩn thận Bất cứ khoản nào thu trong tháng, (giả sử 1/10 tới 31/10 hoặc 27/9 tới 26/10 đều chấp nhận được), bạn cũng phải ghi chép lại. Ví dụ, Ngày 27/09/2018 Khoản thu 1: tiền cho thuê văn phòng Số tiền: 8.500.000 Thuộc nhóm: thu nhập thụ động Lưu ý: Ami Link chi trả; Ngày 28/09/2018 Khoản thu 2: tiền tư vấn tài chính cá nhân Số tiền: 3.500.000 Thuộc nhóm: thu nhập chủ động Lưu ý: Mai Khanh chi trả; Ngày 29/09/2018 Khoản thu 3: tiền tư vấn xuất bản sách Số tiền: 3.500.000 Thuộc nhóm: thu nhập chủ động Lưu ý: Liên Chi chi trả; Khoản thu 4, khoản chi 5, ..., khoản thu N. (Sổ tay Power Thinking Notebook by Alex Tu có thiết kế chi tiết cho từng ngày, rất hữu dụng cho việc quản lý tài chính cá nhân và công việc cực kỳ hiệu quả. Cuốn sổ bé nhỏ này được thiết kế và liên tục cải tiến trong nhiều năm đã thay đổi cuộc đời của tôi và hàng ngàn người!) Bước 2: Tính tổng Tiền thu trong một tháng là tổng của tất cả các khoản thu được như trên trong một tháng. Tiền thu trong tháng = Khoản thu 1 + Khoản thu 2 + Khoản thu 3 + ... + Khoản thu N Thông thường, tiền thu mỗi tháng có thể xê dịch, khác nhau ít nhiều. Bạn nên theo dõi tỉ mẩn từ 3 tới 6 tháng để tìm được con số trung bình gần đúng nhất. Theo dõi 6 tháng thì sẽ có sai số ít hơn là theo dõi 3 tháng. Tuy nhiên, với những bạn thu "đều tay" ít đột biến lớn thì theo dõi 3 tháng cũng có thể cho ra kết quả tạm ổn. Bước 3: Tính trung bình Tiền thu trung bình một tháng là trung bình cộng của tiền thu các tháng bạn theo dõi. - Nếu bạn theo dõi 3 tháng: Tiền thu trung bình một tháng = (Tiền thu trong tháng đầu tiên theo dõi + Tiền thu trong tháng thứ hai theo dõi + Tiền thu trong tháng thứ ba theo dõi) / 3 - Nếu bạn theo dõi 6 tháng: Tiền thu trung bình một tháng = (Tiền thu trong tháng đầu tiên theo dõi + Tiền thu trong tháng thứ hai theo dõi + ... + Tiền thu trong tháng thứ sáu theo dõi) / 6 - Nếu bạn theo dõi n tháng: Tiền thu trung bình một tháng = (Tiền thu trong tháng đầu tiên theo dõi + Tiền thu trong tháng thứ hai theo dõi + ... + Tiền thu trong tháng thứ n theo dõi) / n 3. Quỹ khẩn cấp Vì sao con số này quan trọng? Vì nó cho bạn sự yên tâm, là lưới an toàn cho bạn khi có những việc đột xuất, bất trắc xảy ra như bị bản thân hoặc người nhà bị ốm, bị cho nghỉ việc dài hạn bất ngờ, có việc buộc phải chi đột xuất, ... Con người luôn trân trọng tâm lý được bảo đảm an toàn và hạn chế căng thẳng, lo âu, kiệt sức về mặt tinh thần. Cách tính? 6 lần số tiền chi trung bình một tháng (6 lần tương ứng với 6 tháng tồn tại) hoặc 3000 đô la Mỹ tuỳ con số nào to hơn. - Nếu tiền chi một tháng là 8 triệu/ tháng thì 6 lần là 8x6=48 triệu. Vậy quỹ khẩn cấp cần là 3000 đô la Mỹ (~ 70.500.000 đồng). - Nếu tiền chi một tháng là 15 triệu/ tháng thì 6 lần là 15x6=90 triệu. Vậy quỹ khẩn cấp cần là 90 triệu đồng. Quỹ này để riêng ra, dễ dàng tiếp cận (vì cần gấp thì phải dễ dàng lấy được) nhưng chỉ được đụng tới khi thật sự đột xuất và không còn cách nào khác. 4. Tiền cần cho nghỉ hưu (hoặc tự do tài chính) Vì sao con số này quan trọng? Vì nó cho bạn một tuổi già (coi như khả năng lao động không còn hoặc còn rất ít) kèm theo - An nhàn, - Được đảm bảo về y tế, sức khoẻ, - Có đủ cơm ăn, áo mặc - Và đong đầy các niềm vui "bucket list" trước khi sang Thế Giới Bên Kia. ----> Nói theo văn hoá Á Đông là hậu vận tốt & đầy đủ. <---- Nếu bạn đạt được khi còn trẻ trước khi nghỉ hưu vì già, bạn quá tuyệt vời! Chúc mừng bạn! Thế Giới cần nhiều hơn những người như bạn! Cách tính? Bước 1: tính số % được rút ra hàng năm từ quỹ nghỉ hưu (hoặc quỹ tự do tài chính) của bạn Nghỉ hưu có nghĩa là hầu như không lao động nữa. Hàng tháng (hoặc hàng năm) chỉ rút ra một số tiền từ quỹ nghỉ hưu tự tích góp được theo một con số phần trăm nào đó. Về mặt lý thuyết, nếu lãi từ quỹ nghỉ hưu/ năm này bằng chính số tiền bạn dự định rút ra để tiêu cho 1 năm, thì có nghĩa, từ lúc nghỉ hưu tới khi bạn nhắm mắt xuôi tay, bạn không cần phải lo lắng vì tiền nữa <--- quỹ nghỉ hưu của bạn giống như nồi cơm Thạch Sanh, cứ rút ra 1 khoản để tiêu cho cả năm thì lãi sẽ bù vào chính khoản đó. Để đơn giản hoá, tôi sẽ dùng hình tượng bạn và cơn gió ngược chiều; - Bạn đi với tốc độ, giả sử, là 8 phần/ giờ; - Gió ngược chiều, giả sử, là 2 phần/ giờ; -------> Thực tế bạn sẽ di chuyển dược chỉ là: tốc độ đi trừ đi tốc độ gió ngược chiều = 8 phần/ giờ - 2 phần/ giờ = 6 phần/ giờ. Tính một cách sát xao với hoàn cảnh thực tế tại Việt Nam: - Lãi suất ngân hàng theo năm chính là tốc độ bạn đi; - Lạm phát kỳ vọng trong vòng 12 tháng tới (hiểu đơn giản là đồng tiền mất giá vào năm tới) chính là tốc độ gió ngược chiều; -------> Thực tế tiền bạn gửi ngân hàng chỉ sinh sôi được thêm là lãi thực tế Lãi thực tế = Lãi suất ngân hàng / năm - lạm phát kỳ vọng trong 12 tháng tới = 6.6%/ năm - 3.53% = 3.07 % (~ gần 3% mà thôi!) Chú thích: (*): 6.6% là tỉ lệ lãi suất gửi tiết kiệm cho 12 tháng tại Vietcombank 2018 Việt Nam ; (**): 3.53% là tỉ lệ lạm phát của Việt Nam trong 2017; giả sử kỳ vọng lạm phát không đổi cho 2018 và 2019. Như vậy, với tình hình kinh tế hiện nay tại Việt Nam, chỉ gửi ngân hàng mà không có kênh đầu tư nào cho lãi suất cao hơn 6.6%/ năm, một cách sơ lược, từ khi nghỉ hưu, bạn chỉ nên rút 3%/ năm. (3% này là con số tính tương đối để bạn có thể lên kế hoạch vươn tới tự do tài chính và nghỉ hưu màu hồng!). Nếu kênh đầu tư nào tốt hơn lãi suất ngân hàng thì tiền bạn có lãi thực tế sẽ cao hơn ---> dẫn tới bạn có thể yên tâm rút hơn 3%/ năm. Trong các blog tài chính cá nhân của nước ngoài họ thường lấy 4% ("four percent rule" - con số thông dụng) là số % được rút ra hàng năm để tính ngược tìm ra số tiền cần tích luỹ cho quỹ nghỉ hưu. Số 4% này là con số an toàn được kiến tạo dựa trên dữ liệu lịch sử trong khoảng thời gian 50 năm từ 1926 tới 1976. Các bạn có thể google "Origins of the 4 Percent Rule" để tìm hiểu thêm. Bước 2: tính số tiền quỹ nghỉ hưu sẽ cần phải tích luỹ Tiền rút mỗi năm = tiền chi trung bình hàng tháng x 12 tháng; * Tiền chi trung bình hàng tháng bạn đã tính được theo mục 1. Ngoài ra, ta có Tiền rút mỗi năm = 3% x số tiền quỹ nghỉ hưu; * 3% là số tôi đã giải thích bằng cách tính như trên tại Việt Nam, nước ngoài hay dùng 4%. Như vậy, Số tiền quỹ nghỉ hưu = Tiền rút mỗi năm / 3% = Tiền chi trung bình hàng tháng x 12 x 100 / 3 = Tiền chi trung bình hàng tháng x 400 * Giả sử, tiền chi trung bình hàng tháng là 20 triệu ---> Tiền rút mỗi năm sẽ cần là 20 triệu x 12 tháng = 240 triệu/ năm ---> Tiền quỹ nghỉ hưu cần là 20 triệu x 400 = 8 tỷ Giả sử, tiền chi trung bình hàng tháng là 50 triệu ---> Tiền rút mỗi năm sẽ cần là 50 triệu x 12 tháng = 600 triệu/ năm ---> Tiền quỹ nghỉ hưu cần là 50 triệu x 400 = 20 tỷ * Giả sử có một kênh đầu tư đạt được lãi suất đều đặn 10%/ năm và lạm phát kỳ vọng 12 tháng tới là 4% và tiền chi trung bình của bạn là 20 triệu/ tháng ---> lãi suất thực tế từ vốn sẽ là 10% - 4% = 6% --> Số tiền quỹ nghỉ hưu về mặt dự tính cần chuẩn bị là 20 triệu x 12 x 100 / 6 = 4 tỷ. Bước 3: các lưu ý cần ghi nhớ - Tiền chi trung bình hàng tháng càng ít thì số tiền cần chuẩn bị cho quỹ nghỉ hưu càng ít. Như ví dụ trên, người tiêu 20 triệu/ tháng thì chỉ cần chuẩn bị 8 tỷ; nhưng người tiêu 50 triệu/ tháng thì cần những 20 tỷ. - Xây dựng quỹ nghỉ hưu càng sớm càng tốt. Bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để tích luỹ và xây dựng quỹ nghỉ hưu. - Kênh đầu tư có lãi suất ổn định cao hơn lãi suất ngân hàng càng nhiều thì bạn sẽ càng cần ít tiền cho quỹ nghỉ hưu của mình bởi vì quỹ nghỉ hưu có thể tự nó sản sinh ra lãi. Tìm ra kênh này là nhiệm vụ của bạn! Như ví dụ trên, người tiêu 20 triệu/ tháng và chỉ gửi ngân hàng thì cần chuẩn bị 8 tỷ; người tiêu 20 triệu/ tháng và có kênh đầu tư ổn định cho lãi 10% đều đặn hàng năm thì cần chuẩn bị 4 tỷ (quỹ nghỉ hưu cũng được tái đầu tư an toàn và ổn định với lãi suất thực tế 6% theo giả định). - Hạn chế chi tiêu đột biến ngoài vùng an toàn vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới tính đảm bảo và vô thời hạn của số tiền quỹ nghỉ hưu. Ví dụ thay vì một năm bạn chỉ rút được 120 triệu (tương đường dùng 20 triệu/ tháng), bạn lại chi một năm 500 triệu thì ảnh hưởng trực tiếp tới phần gốc của quỹ nghỉ hưu và tất nhiên là ảnh hưởng tới lãi sau đó do số tiền quỹ nghỉ hưu sinh ra) 5. Hàng tháng cần phải tích luỹ bao nhiêu cho quỹ nghỉ hưu Vì sao con số này quan trọng? Vì nó cho bạn con số tham khảo cụ thể bạn cần để ra bao nhiêu để đảm bảo tuổi già như mong ước ngay từ bay giờ đến tuổi nghỉ hưu. Cách tính? Bước 1: Tính xem còn bao nhiêu năm lao động Lấy tuổi nghỉ hưu trừ tuổi hiện tại. Giả sử bạn đang 35 tuổi, sẽ nghỉ hưu vào 55 tuổi, vậy bạn còn 20 năm cật lực. Bước 2: Tính số tiền cần tích luỹ cho quỹ nghỉ hưu trong từng năm (hoặc tháng) Lấy số tiền quỹ nghỉ hưu còn cần tích luỹ chia cho số năm lao động còn lại. Giả sử hiện bạn có 5 tỷ trong quỹ nghỉ hưu. Mỗi tháng bạn cần chi tiêu 50 triệu ---> số tiền quỹ nghỉ hưu bạn cần là 20 tỷ (50 triệu x 12 x 100 / 3). Để đơn giản ta bỏ qua lãi của 5 tỷ, số tiền ta còn cần tích luỹ thêm cho quỹ hưu là 20 tỷ - 5 tỷ = 15 tỷ ---> Mỗi năm cần tích luỹ 15 tỷ / 20 năm = 0.75 tỷ ---> mỗi tháng cần để riêng ra cho quỹ nghỉ hưu 0.75 tỷ / 12 tháng = 62.5 triệu đồng/ tháng. Kết luận Xin chúc mừng bạn vì bạn đã đọc đến tận đây, bạn khác 90% những người khác trong lĩnh vực tài chính cá nhân! Ý tôi muốn nói rằng, bạn hoàn toàn đủ khả năng chuẩn bị và hoạch định cho đời sống tài chính cá nhân thịnh vượng. Nếu bạn cỏn rất trẻ, xin chúc mừng bạn một lần nữa về con đường tài chính cá nhân sáng lạn của mình sắp tới! Nếu bạn không còn quá trẻ, những con số này cho bạn cái nhìn thực tế (tuy rằng nó có thể khiến bạn toát mồ hôi hột!) về tương lai ngày già của mình. Tôi chỉ xin nhắc lại, nếu chúng ta thiếu chuẩn bị, chúng ta thực tế đang chuẩn bị cho sự thất bại của mình! Điều này không hề loại trừ lĩnh vực tài chính cá nhân! Hãy lớn mạnh hơn mỗi ngày bằng các hành động hiệu quả hướng tới mục tiêu bạn nhé! Thân, Nhà văn tối giản du lịch Alex Tu (Tối giản, Tài chính cá nhân, Du lịch lifestyle)
14 Comments
Do Thi Thuy Hang
10/4/2018 08:54:04 pm
Em rất cảm ơn chị ạ. Chị có thể chia sẻ về các cách gửi tiền an toàn không ạ: ngân hàng, đầu tư.
Reply
Alex Tu
10/5/2018 03:49:31 pm
Hi chị Hằng, hiện tại mình chỉ hay gửi tiền ở VCB, ACB, đầu tư mình dùng tài khoản của MBS đều thấy ổn. Phần này mình nghĩ chị có thể tham khảo thêm về các thông tin mới v/v gửi số tiết kiệm và ngân hàng được tuyên bố phá sản hay không. Mình chưa nghiên cứu thật sâu nên mình chưa tư vấn kỹ phần này được. Mình nghĩ, vấn đề nào cũng có những rủi ro nhất định ạ.
Reply
Nguyễn Hà
10/7/2018 06:12:30 am
Em chào chị, chị cho em hỏi quỹ đầu tư chị thấy thế nào ạ? em mới biết tới quỹ và cũng mới biết tới VF- iSaving của VFM. em cũng không có nhiều nên đang băn khoăn quá. Chị có thể nói cho em biết cái được, mất của kiểu quỹ này được không ạ. em cảm ơn chị!
Lê Thị Vân Hà
10/5/2018 01:24:19 pm
Cám ơn chị Tú đã cho mình thông tin rất bổ ích. Mình có một thắc mắc là nếu mình đã dành dụm đủ tiền để nghỉ hưu (ví dụ 5 tỉ). Mỗi năm mình trích lãi suất năm ra để xài. Thì đến khi mình qua đời thì số tiền 5 tỉ đó vẫn còn y nguyên trong tài khoản phải không ạ? Như vậy hơi bị phí phải không ạ? Không biết mình nghĩ có đúng không :-)
Reply
Alex Tu
10/5/2018 03:54:08 pm
Hi chị Hà,
Reply
Lê Thị Vân Hà
10/5/2018 01:41:19 pm
Chào chị, em nữa ạ. Sorry chị vì em hỏi hơi nhiều ạ vì em hơi bối rối. Em nghĩ ví dụ tiền quỹ nghỉ hưu mà em cần là 5 tỉ. Thì theo chi tiêu hiện tại mỗi năm em rút 150 triệu tương đương với 3%. Nhưng 10 năm, 20 năm sau thì 150 triệu / năm thì không đủ nữa rồi. Lúc đó mỗi năm phải rút ví dụ 300 triệu / năm. Đó có phải là lúc mà tiền xài mỗi năm sẽ ăn vào số tiền gốc trong ngân hàng phải không ạ. Vậy quá trình này diễn ra thế nào ạ? Mong chị giải đáp cho em đỡ bối rối ạ. Cám ơn thông tin hữ ích của chị nhé. Nice weekend!
Reply
Alex Tu
10/5/2018 04:15:26 pm
Hi chị Hà,
Reply
Minh Nguyen
10/9/2018 12:22:54 am
Cảm ơn những chia sẻ của chị Tú về tài chính cá nhân.
Reply
Alex Tu
11/5/2018 11:39:17 am
Hi Minh Nguyen,
Reply
Alex Tu
11/5/2018 11:44:35 am
Mình xin trả lời câu hỏi của bạn Nguyễn Hà: "Em chào chị, chị cho em hỏi quỹ đầu tư chị thấy thế nào ạ? em mới biết tới quỹ và cũng mới biết tới VF- iSaving của VFM. em cũng không có nhiều nên đang băn khoăn quá. Chị có thể nói cho em biết cái được, mất của kiểu quỹ này được không ạ. em cảm ơn chị!"
Reply
Thy
11/7/2018 12:25:56 pm
Hi Alex Tú,
Reply
Alex Tu
1/7/2019 02:22:18 pm
Hi Thy,
Reply
THI XUAN HUONG (Automatic PHAM
1/6/2019 08:30:02 pm
Cảm ơn Chi đã chia sẻ ạ. Rất hữu ích.
Reply
Alex Tu
1/7/2019 02:20:38 pm
You are welcome nhé bạn!
Reply
Your comment will be posted after it is approved.
Leave a Reply. |
Liên hệ công việc
[email protected] Xin chào,Tôi là Alex Tu - tác giả về các đề tài phát triển bản thân, tài chính cá nhân, du lịch và phong cách sống. Tôi đã đặt chân tới gần 90 quốc gia & đặc khu. Tôi sẽ tiếp tục khám phá và trải nghiệm nhiều hơn. Categories
All
Archives
October 2023
|