Để đầu tư cổ phiếu có lời, về cơ bản chúng ta cần thực hiện 2 vấn đề: Thứ nhất, vượt chướng ngại tâm lý để đầu tư; Thứ hai, hiểu bản chất của cổ phiếu. 1. Vượt chướng ngại tâm lý để bắt đầu đầu tư Trong ý thức của chúng ta, chi phí của đầu tư giống như một “mức phạt” chứ không phải là một tấm vé cơ hội vì quả ngọt của đầu tư không gặt hái ngay được, trái ngược với việc tiêu dùng. Mua sắm mang lại cảm giác thoả mãn ngay lập tức. Hiểu được tâm lý này, chúng ta cần thuyết phục bản thân, sự “trả giá” ngày hôm nay là việc đương nhiên để tận hưởng ngọt bùi trong tương lai dài hạn và chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận nó, vui vẻ động viên bản thân “nhịn” bớt những thoả mãn tức thời mà hướng tầm nhìn tới năm, mười năm sau. Nếu chúng ta chưa từng trải nghiệm việc đầu tư cổ phiếu, tất cả những gì chúng ta cần phải làm để bước chân vào thế giới giàu có mới này chỉ là mở một tài khoản chứng khoán miễn phí và khoảng 3 triệu đồng, thậm chí thấp hơn. Tại sao lại chỉ là 3 triệu đồng? Hiện nay, khối lượng cổ phiếu tối thiểu nhà đầu tư nhỏ lẻ được mua là 100 cổ phiếu (trước đây là 10 cổ phiếu, tuy nhiên mức khối lượng cổ phiếu này có thể thay đổi tuỳ theo quy định của cơ quan có thẩm quyền). Giả sử giá một cổ phiếu trên thị trường đang là 25.000 đồng, thì mua 100 cổ phiếu sẽ tốn 100 cổ phiếu x 25.000 đồng = 2.500.000 đồng VÀ phí giao dịch. Phí giao dịch sẽ tuỳ vào công ty chứng khoán và số tiền giao dịch. Giả sử chúng ta có tài khoản ở công ty chứng khoán A, với mức phí giao dịch là 0.25% giá trị giao dịch cho những giao dịch dưới 300 triệu đồng, với giao dịch mua cổ phiếu trị giá 2.500.000 như trên, chúng ta sẽ tốn thêm tiền phí là: 0.25% x 2.500.000 đồng = 6.250 đồng. Như vậy, để sở hữu được 100 cổ phiếu đang bán ở mức giá 25.000 đồng/ cổ phiếu, chúng ta sẽ cần tổng cộng là: 2.500.000 + 6.250 đồng = 2.506.250 đồng. Đây là một số tiền không quá lớn để có được một sự trải nghiệm và những cảm giác đầu tiên về cồ phiếu. Sau đó, chúng ta có thể theo dõi sự tăng giảm của giá cổ phiếu đã mua và số tiền lãi/ lỗ dự kiến trên 100 cổ phiếu ban đầu chúng ta sở hữu. Lưu ý là với giao dịch bán cổ phiếu, ngoài phí giao dịch chúng ta còn phải chịu cả thuế thu nhập cá nhân (khoảng 0.1% x giá trị giao dịch). Việc mở tài khoán chứng khoán hiện nay khá đơn giản. Tuy nhiên chúng ta cần đi hỏi “review” (đánh giá) về các vấn đề quan trọng, bao gồm: - Phí giao dịch, nhất là khung tiền chúng ta hay giao dịch, cao, thấp hay chấp nhận được? - Các trang giao dịch trên máy tính hoặc ứng dụng giao dịch trên điện thoại có rõ ràng, logic, dễ sử dụng và rất ít khi gặp sự cố kỹ thuật hay không? - Tài khoản chứng khoán được liên kết với những tài khoản ngân hàng nào? - Thời gian quy định cho việc nạp tiền, rút tiền từ tài khoản chứng khoán? - Việc nạp và rút tiền có nhanh chóng, thuận tiện hay không? - Dịch vụ chăm sóc khách hàng, tư vấn như thế nào? - Danh tiếng của môi giới ra sao? - Các vấn đề nâng cao khác như lãi suất và thủ tục vay ký quỹ (phần này có lẽ chúng ta chưa cần quan tâm nhiều). Sau khi có tài khoản chứng khoán, chúng ta sẽ tiến hành chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản chứng khoán (hai tài khoản này được liên kết với nhau vì có sự hợp tác giữa công ty chứng khoán và ngân hàng, và đây cũng là một trong những tiêu chí lựa chọn công ty chứng khoán của chúng ta như nói trên). 2. Hiểu bản chất của cổ phiếu Cổ phiếu là gì? Về cơ bản, cổ phiếu là chứng khoán vốn xác nhận quyền sở hữu của người mua đối với công ty cổ phần. Người sở hữu cổ phiếu là sở hữu một phần nhất định của công ty. Khi nói mua cổ phiếu nghĩa là chúng ta mua những phần rất rất nhỏ của một công ty. Chúng ta mua cổ phiếu với kỳ vọng: (i) công ty sẽ ăn nên làm ra để có tiền trả cổ tức, (ii) giá cổ phiếu của công ty sẽ tăng lên theo thời gian và (iii) những lợi ích khác hưởng kèm. Trong đó, cổ tức là một phần lợi nhuận sau thuế được chia cho các cổ đông của một công ty cổ phần; cổ tức có thể được trả bằng tiền, cổ phiếu. Kiếm tiền từ cổ phiếu như thế nào? Bằng cách bỏ tiền ra để mua cổ phiếu (đầu tư vào cổ phiếu) và kiếm tiền từ đó. Có hai “trường phái” đầu tư vào cổ phiếu khá phổ biến: - Đầu tư ngắn hạn (lướt sóng): thời gian nắm giữ ngắn, mua ngẫu hứng với phán đoán giá cổ phiếu sẽ tăng lên trong tương lai gần; mua giá thấp, bán giá cao để kiếm lời; Tiền lời = Giá bán - Giá mua - Chi phí - Đầu tư dài hạn (nắm giữ): thời gian nắm giữ có thể lên tới nhiều năm và hàng chục năm, mua đều trong những khoảng thời gian nhất định, theo những tiêu chuẩn nhất định về giá trị nội tại (cao), tỷ lệ sinh lợi (cao), rủi ro (thấp) và để ý tới những trường hợp loại trừ (cần tránh); Tiền lời = Cổ tức + Quyền lợi khác + Giá bán - Giá mua - Chi phí Hai trường phái này, trường phái nào tốt hơn? Chúng ta nên linh hoạt và tận dụng sự hỗ trợ của cả hai trường phái đối với túi tiền của mình bởi vì hoàn toàn có thể “lấy ngắn nuôi dài” và “có ngắn thì mới có dài”. Trường phái “lướt sóng” sẽ giúp chúng ta có phần lợi nhuận "tiền tươi thóc thật” trong một thời gian ngắn, trường phái “nắm giữ” sẽ giúp chúng ta có được lợi nhuận “khủng” gấp nhiều lần vốn nếu chúng ta có những khoản đầu tư tốt trải qua một khoảng thời gian tương đối. Ví dụ, nếu một tháng chúng ta cần 15 triệu đồng chi tiêu, chúng ta tạm đặt mục tiêu thu nhập tối thiểu là 15 triệu đồng/ tháng và chia thu nhập “mục tiêu” thành ba nguồn thu nhập cần kiếm: (i) nguồn thu từ một công việc quen thuộc thứ nhất, khoảng 8 triệu đồng/ tháng, (ii) nguồn thu từ việc lướt sóng chứng khoán, tiền lời (không tính vốn, tất nhiên) khoảng 5 triệu/ tháng và (iii) nguồn thu từ cổ tức khoảng 2 triệu/ tháng (tương đương 24 triệu/ năm). Có thu nhập từ việc lướt sóng cổ phiếu rõ ràng có thể giúp chúng ta (i) giảm tải thời gian lao động truyền thống để có nhiều thời gian hơn, hiệu quả hơn trong việc kiếm tiền từ thị trường chứng khoán hoặc kiếm tiền từ việc sử dụng các loại đòn bẩy khác nhau và (ii) có tiền lời để có thể chi tiêu hàng tháng, thậm chí tái đầu tư dài hạn vào cổ phiếu theo trường phái “nắm giữ”. Thương mến, Tác giả Alex Tu (Phát triển bản thân, Tài chính cá nhân, Du lịch lifestyle) Mục đích: chia sẻ những điều tích cực để cùng thịnh vượng SHARE Những Điều Tích Cực! #ShareNhungDieuTichCuc
0 Comments
Your comment will be posted after it is approved.
Leave a Reply. |
Liên hệ công việc
[email protected] Xin chào,Tôi là Alex Tu - tác giả về các đề tài phát triển bản thân, tài chính cá nhân, du lịch và phong cách sống. Tôi đã đặt chân tới gần 90 quốc gia & đặc khu. Tôi sẽ tiếp tục khám phá và trải nghiệm nhiều hơn. Categories
All
Archives
October 2023
|