Chuyến bay nhẹ nhàng từ New York mang tôi tới đất nước Trung Mỹ xinh đẹp với con kênh đào nổi tiếng. Panama là là hàng xóm của Costa Rica về phía Bắc, và Columbia về phía Nam, hai mặt đối diện lần lượt giáp Thái Bình Dương và biển Caribbe. Từ biển Caribbe về phía đông là Thái Bình Dương rộng lớn và châu Âu. Có thể nói, Panama được thiên nhiên ưu ái cho một vị trí địa lý vô cùng đặc biệt, cùng với bề ngang đất liền hẹp, Panama dưới con mắt chiến lược tinh tường của những kỹ sư thiên tài trở thành 'tất cả đều có thể' mang lại sự an toàn, tiết kiệm và hiệu quả cho thuỷ thủ đoàn và tàu thuyền qua lại giữa hai bên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Tới khu vực nhập cảnh, hai chàng trai hải quan trẻ tuổi dễ thương cười hỏi tôi "Spanish?" để biết liệu tôi có biết nói tiếng Tây Ban Nha hay không. Tôi trả lời lại bằng tiếng Tây Ban Nha một câu chuẩn nhất "Lo siento, hablo muy poco español" - có nghĩa là "Tôi xin lỗi, tôi nói được rất ít tiếng Tây Ban Nha". Hai chàng trai hải quan rất lấy làm hài lòng, đóng dấu hải quan và gửi lại hộ chiếu cho tôi cùng nụ cười tươi rói "Welcome to Panama." Ấn tượng tốt đẹp ban đầu về con người Panama là sự thân thiện và sẵn sàng chào đón bạn tới đất nước của họ. Trời đổ mưa kèm theo tiếng sấm rền vang đặc trưng của Trung Mỹ khi tôi ngồi trong taxi từ sân bay Tocumen về khách sạn trong thành phố không làm giảm đi sự háo hức trong tôi. Panama City được chia rõ thành ba khu vực rõ rệt, khu East Coast với những toà nhà cao tầng mạnh mẽ, thẳng đứng đơn giản, nối liền với khu Old Town kiến trúc thuộc địa không quá cao, liên tiếp tới khu Financial District lại bao gồm nhiều những toà nhà hiện đại, kiến trúc độc đáo. Trong quá khứ, Old Town đã từng bị bỏ hoang trống bởi sự xâm hại và trỗi dậy của cướp biển vùng Carribe. Không hài hước như bộ phim cùng tên, cướp biển là một hiểm hoạ có thật và in dấu rõ rệt lên đất nước Panama. Chính vì lẽ đó, những người ở đây đã chọn phát triển những khu dân cư hiện đại cách xa khu vực Old Town. Tôi về tới khách sạn khi trời đã ngả chiều. Bữa ăn tối với cà hồi trong khách sạn theo phong cách ẩm thực Panama cùng một ly cocktail với Gin và trái cây tươi khiến tôi lâng lâng chờ đón những trải nghiệm tuyệt vời nơi đây. Thông qua một ứng dụng du lịch quốc tế, tôi chọn tour thăm kênh đào và khu thành phố cổ Old Town trong ngày với giá 100 đô la Mỹ của. Tám giờ sáng, Douglas - chàng trai Panama đậm người trong trang phục và mũ truyền thống vừa là hướng dẫn viên kiêm tài xế xe 4 chỗ cho tôi đã chờ sẵn ở sảnh khách sạn. Chúng tôi hăm hở hướng tới Miraflores là trung tâm cho khách du lịch tới thăm quan tận mắt kênh đào Panama. Trời trong xanh và hửng nắng sớm mai; gió làm tung bay ngọn cờ Panama trên đỉnh đồi nằm trong khu vực của kênh đào. Lá cờ rực rỡ vô tư xả dài tự do trước gió đã phải đổi bằng sự hi sinh tính mạng của rất nhiều người dân Panama. Với giọng kể chầm chậm, ngậm ngùi nhưng đầy tự hào, Douglas nhắc tới cuộc nổi dậy của những sinh viên vị thành niên người Panama vào ngày Martyrs, năm 1964 vì sự thống nhất và trọn vẹn của đất nước. Cuộc nổi dậy này là nguyên nhân chính dẫn tới việc kí kết Hiệp định Torrisjos - Carter giữa chính quyền Panama và Mỹ vào năm 1977 và chuyển nhượng toàn quyền kiểm soát khu vực kênh đào Panama cho chính quyền đất nước Panama vào năm 1999. Douglas cũng chỉ cho tôi tượng đài kỷ niệm bằng kích thước người thật tưởng nhớ ba sinh viên trẻ tuổi đang trèo lên cột để có thể làm tung bay lá cờ của đất nước họ một cách đầy tự hào. Câu chuyện và hình ảnh tưởng niệm khiến tôi xúc động mạnh mẽ về tinh thần đấu tranh vì độc lập dân tộc quật cường và bền bỉ của đất nước Panama. Say sưa lắng nghe câu chuyện, chiếc xe đã chở tôi tới trung tâm thăm quan kênh đào Panama ở Miraflores tự lúc nào không hay. Tôi thuộc rất nhiều thông tin như kênh đào Panama được mệnh danh công trình cơ khí kỹ sư vĩ đại nhất tại thời điểm năm 1914 khi bắt đầu được đưa vào hoạt động; hay kênh đào Panama thực chất là một hệ thống các khoá nước tại ba điểm chính Mirafloes, Pedro Miguel và Gatun nhằm dẫn tàu thuyền qua lại giữa hai bên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương xuyên qua đất nước Panama. Thay vì phải đi tận xuống Nam Mỹ với nhiều nguy hiểm và mất quá nhiều thời gian, nhờ có kênh đào Panama, tàu thuyền chỉ mất khoảng 8 tới 10 giờ vượt qua khoảng 80 km kênh đào để qua lại giữa hai đại dương. Dù mỗi lần sử dụng kênh đào có thể tiêu tốn từ 125.000 tới 150.000 đô la Mỹ cho một tàu thuyền thương mại, khoản tiền này vẫn ít hơn chi phí đi vòng xuống Nam Mỹ và mang lại sự an toàn tuyệt đối cho thuỷ thủ đoàn và tàu thuyền. Nhưng những thông tin lý thuyết về kênh đào Panama không thể nào sánh được cảm xúc thực tế khi nhìn thấy tận mắt sự hùng vĩ và hoạt động đầy khoa học của kênh đào Panama. Các con tàu từ phía Thái Bình Dương chầm chậm tiến về phía kênh đào. Chưa bao giờ tôi thấy tận mắt những chiếc tàu biển to lớn trên thân chất đầy những container hàng hoá ở khoảng cách gần như vậy. Tuy mang những cái tên mỹ miều đầy kiêu sa như Miss Atlantic hay Emerald Star với kích thước khổng lồ, tàu thuyền hiền hoà, từ từ theo hai dòng kênh đào thực hiện hành trình vượt Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương. Từng thời điểm trong quá trình vận hành như nước đổ vào kênh khi khoá đóng, tới lúc mực nước cân bằng với hồi chuông báo hiệu vang lên rộn rã, cổng khoá hình chữ V mở ra và những chiếc xe kéo sợi trượt trên đường ray kéo con tàu tiến về phía trước đều khiến khách thăm quan phấn kích, xôn xao cùng tiếng giới thiệu về kênh đào vang lên trên loa phát thanh. Mọi người reo hò, vẫy tay chào thuỷ thủ đoàn trên tàu và các thuỷ thủ cũng vẫy tay đáp lại. Đây là một nét văn hoá đẹp đáng nhớ khi con người từ khắp nơi tuy không quen biết nhưng chân thành chào mừng nhau. Tại Miraflores, tôi còn được thăm quan viện bảo tàng ba tầng về kênh đào Panama nằm ngay tại trung tâm và uống một ly Cappuccino thơm lựng được pha chế bằng những hạt cà phê Mỹ La Tinh ngon nổi tiếng thế giớ trong lúc ngắm tàu đi qua. Cuối cùng, tôi cũng đã được thấy tận mắt cách thức hoạt động của kênh đào Panama sau bao năm ấp ủ. "Trăm nghe không bằng một thấy" quả là không sai. Douglas còn tốt bụng cho tôi ghé thăm con đường nối liền bốn đảo Culebra, Naos, Perico và Flamenco nhằm bảo vệ kênh đào khỏi sự biến động của sóng nước với nhiều tàu thuyền nhỏ đẹp mắt. Từ đảo Flamenco, Panama City thanh bình đầy sức sống hiện lên rõ ràng trong ánh nắng hoà ca củng tiếng rì rầm của sóng biển Trung Mỹ. Trên đường về, tôi được dẫn vào chợ "hand-made" của người bản địa. Người dân bán hàng ở chợ thủ công này thuộc dân tộc thiểu số, kiệm lời, thật thà và không hề nói thách. Trước vô vàn các món hàng bắt mắt như túi thêu, vòng đeo cổ kết cườm đẹp mắt, màu sắc đầy thu hút, những đồ trang trí truyền thống được treo trước các quầy hàng lung linh, sống động, tôi chọn cho mình chiếc mũ thủ công đặc trưng làm bằng sợi rơm cọ toquilla của Panama với giá chỉ với 20 đô la Mỹ trong khi một chiếc tương tự trong cửa hàng miễn thuế tại đảo Flamenco bán với giá 85 đô la Mỹ và tại sân bay với giá 40 đô la Mỹ. Đội chiếc mũ trên đầu, tôi cảm thấy mình như triệu phú đầy phong cách đang có một kỳ nghỉ ngập tràn niềm vui. Để cám ơn về một ngày ước mơ thành hiện thực, tôi mời Douglas bữa trưa tại một quán ăn ẩm thực 100% Panama trong thành phố. Những người phục vụ trong quán ăn tuy không nói được tiếng Anh nhưng rất quan tâm tới vị thực khách châu Á và luôn tục ghé bàn ra dấu hiệu hỏi xem tôi có yêu cầu hay cần giúp đỡ gì không. Khi về, họ còn gửi tặng tôi một tập giấy giới thiệu về các món ăn và ẩm thực truyền thống Panama. Hình ảnh người dân Panama hiện lên trong tôi thật tốt đẹp, nồng nhiệt và hiếu khách. Du lịch như người bản địa luôn là chìa khoá để đạt được trải nghiệm viên mãn nhất! Tips
- Hiện nay công dân Việt Nam được miễn thị thực du lịch Panama trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, bạn cần xác nhận lại thông tin với cơ quan ngoại giao của Panama trước chuyến đi để tránh những thay đổi bất ngờ. - Thành phố bạn cần bay tới để thăm kênh đào là Panama City, sân bay Tocumen, thuộc nước Panama. - Nếu có chuyến bay nội địa nối chuyến ngược về Mỹ, bạn nên chọn thời gian transit tối thiểu là 2 tiếng nếu không có hành lý ký gửi và tối thiểu là 3 tiếng nếu có hành lý ký gửi. - Panama chọn đô la Mỹ là tiền giao dịch chính thức nên bạn chỉ cần đổi đô la Mỹ để tiêu dùng ở Panama. Tuy nhiên, họ vẫn lưu hành tiền xu riêng của Panama song song với tiền xu của Mỹ. - Giá taxi từ sân bay Tocumen về trung tâm thành phố Panama City khoảng 25 đô la Mỹ. Tài xế thường đòi 30 đô la Mỹ nhưng bạn có thể trả xuống 25 đô la là mức trung bình. Ngoài ra , bạn còn có thể sử dụng Uber tại Panama City. - Sim điện thoại kết nối 3G có bán tai sân bay Tocumen nhưng giá tương đối đắt và không có gói cước dữ liệu không giới hạn. Sim 3G với gói dữ liệu khoảng 2GB trong vòng 2 tuần khoảng 30 đô la Mỹ. - Chiếc mũ rơm cọ toquilla "Made in Panama" có giá khoảng 20 đô la Mỹ mà thôi. Bạn nhớ chọn giá đúng và tránh bị mua hớ nhé! - Một bữa ăn ngon trong nhà hàng bình dân ở Panama City có kèm tráng miệng khoảng 30 đô la Mỹ/ 2 người; một bữa ăn ngon trong nhà hàng hoặc khách sạn sang trọng ở Panama City khoảng 75 đô la Mỹ. - Tiền tip không bắt buộc tại Panama nhưng nếu bạn hài lòng với dịch vụ, bạn có thể tip thêm để khuyến khích người phục vụ. - Bạn nhớ uống Capuccino, vị hạt cà phê Trung Mỹ rất ngon, giá từ 3 đô la Mỹ tới 5 đô la Mỹ tuỳ nơi. Thân, Tác giả Alex Tu The MiniTravelist
0 Comments
Your comment will be posted after it is approved.
Leave a Reply. |
Liên hệ công việc
[email protected] Xin chào,Tôi là Alex Tu - tác giả về các đề tài phát triển bản thân, tài chính cá nhân, du lịch và phong cách sống. Tôi đã đặt chân tới gần 90 quốc gia & đặc khu. Tôi sẽ tiếp tục khám phá và trải nghiệm nhiều hơn. Categories
All
Archives
October 2023
|