Nhẫn kim cương thành biểu tượng của tình yêu từ khi nào? Lời cầu hôn kèm chiếc nhẫn kim cương không phải là một truyền thống quá lâu đời hoặc mạnh mẽ ở các nước trên thế giới từ trước những năm 1930. Vào khoảng thời gian đó, tại Mỹ, quan hệ nam nữ không quá thoải mái như ngày nay. Vì thế, khi đính hôn, chàng trai phải đưa cho gia đình cô gái một khoản tiền - tạm gọi là "khoản tiền đảm bảo" trong trường hợp chàng trai - sau khi thoả mãn các ham muốn tình cảm của mình - đổi ý và không cưới cô gái đó nữa (quất ngựa truy phong), thì cô gái sẽ được hưởng khoản tiền này như một hình thức bù đắp "tổn thương tinh thần". Vào khoảng năm 1938, tập đoàn hùng mạnh các-ten (cartel) về kim cương với tên gọi De Beers bắt đầu chiến dịch quảng cáo rầm rộ với những nỗ lực không ngừng nhằm: - Kiểm soát nguồn cung, nguồn cầu của kim cương khai thác từ các mỏ chính ở châu Phi. - Độc quyền ấn định và kiểm soát giác cả phân phối kim cương. - "Bơm" vào đầu người tiêu dùng ý niệm rằng kim cương quý và hiếm. - "Bơm" vào đầu các cặp đôi đã cưới và sắp cưới bằng sự tác động mạnh mẽ về cảm xúc rằng một tình yêu chân thực và vĩnh cửu không thể thiếu được một chiếc nhẫn đính hôn bằng kim cương. - "Bơm" vào đầu người tiêu dùng rằng "Kim cương là vĩnh cửu". - "Bơm" vào đầu người tiêu dùng rằng đối với quý ông, kích thước & giá tiền viên kim cương mà quý ông mua tặng người phụ nữ của mình là thước đo cho sự thành công; đối với quý bà, quý cô, kích thước & giá tiền viên kim cương nhận được là minh chứng cho giá trị, sức quyến rũ và vẻ đẹp của mình. Và khoản tiền mặt đảm bảo nói trên đã được thay thế thành công bởi chiếc nhẫn đính hôn kim cương. Sự thật là, người tiêu dùng là "nạn nhân" của một tập đoàn kinh tế cartel hùng mạnh và là "con rối" của một chiến dịch quảng cáo tài tình dài hơi trong lịch sử (còn kéo dài cho đến tận ngày nay). Việt Nam học hỏi nét văn hoá tặng nhẫn kim cương khi cầu hôn từ Mỹ và các nước phương Tây. Bạn đã bao giờ từng thử bán một chiếc nhẫn kim cương? Có lẽ bạn sẽ rất thất vọng nếu từng cố thử bán một chiếc nhẫn kim cương thông thường (Mình không nói tới những chiếc độc nhất vô nhị mà giá thành của nó bị chi phối bởi nhiều các yếu tố khác). Chắc chắn bạn sẽ không bao giờ có thể bán hơn giá bạn đã mua; phần lớn sẽ đều mất giá một cách thê thảm và không phải cửa hàng nào cũng đồng ý mua lại (thâu lại) cho bạn. Một chiếc nhẫn kim cương đem lại lợi ích gì? Ngoài vẻ đẹp lấp lánh, chiếu chiếu và giá trị tình cảm mà bạn nhận được từ người đàn ông (trong khi nhẫn kim cương không phải là cách thức duy nhất để thể hiện tình cảm của một người đàn ông dành cho người phụ nữ) và giá trị mơ hồ về bản thân khi cho rằng hạt kim cương càng to vì bạn càng "đắt giá", càng "xứng đáng" thì nhẫn kim cương thực ra là một khoản đầu tư ngược: - Giá trị giảm bất kể lạm phát hay giảm phát. - Mang nỗi lo vào người vì phải canh chừng nó và lo ngay ngáy khi để quên nó. Trong khi cùng khoản tiền ấy nhưng nếu để tiền trong tài khoản hoặc đầu tư thận trọng thì không có nỗi lo canh chừng đồ đạc thế này. - Mang nguy hiểm vào người vì cất giữ kim cương đâu đó trong nhà. - Vì hình dáng cấu tạo hạt gồ lên của nhẫn kim cương, nó có thể cào xước túi xách, quần áo, thậm chí da mặt bạn nếu bạn không để ý khi đeo. - Bạn đeo một cái nhẫn và khoe ra chứng tỏ giá trị, sự thành công của mình và khả năng tài chính của mình nhưng thực tế, chỉ có những người nhìn "nông cạn" mới nghĩ những điều bạn muốn khoe. Những người hiểu đời đều biết rằng "nhìn thấy giàu có" và "thực tế giàu có" đôi khi có một khoảng cách rất xa. Ngoài ra, mỗi một hạt kim cương đều có nhiều đặc tính khác nhau về nước hạt, độ tinh khiết, kĩ thuật cắt, trọng lượng, ...Trong đó, những người chơi kim cương hiểu biết đều truyền tai nhau rằng, những hạt kim cương bị nứt hoặc có lẫn quá nhiều tạp chất đều đem lại sự xui xẻo, kém may mắn cho người đeo?! Còn chưa kể nhẫn kim cương khi làm món quà tặng để chuộc lỗi của các ông chồng phụ bạc - chiếc nhẫn ấy, dù đắt đến mấy cũng xứng đáng vứt đi chứ không phải nằm trên bàn tay của bạn. Hãy từ chối nó (hoặc đòi hỏi một khoản tiền tương đương để bạn làm gì thì làm) thay vì đeo trên tay chiếc nhẫn mà mỗi khi nhìn thấy bạn lại đau lòng cho dù nó có giá trị vài ba tỉ đồng. Chiếc nhẫn đính hôn kim cương dù rất to nhưng không đảm bảo cho bạn những điều sau đây - Một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, chung thuỷ. - Tinh thần thanh thản vô lo (bạn lo nó mất, bạn lo canh chừng nó) Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao chiếc nhẫn cưới trơn bé nhỏ lại có tác dụng tinh thần to lớn thế, trong khi nó chẳng kèm theo một viên kim cương to to đi cùng? Nếu chỉ một chiếc nhẫn cầu hôn nhỏ xinh, vừa tay bạn, bạn sẽ vẫn lấy người đàn ông hay hậm hực không lấy vì nó không kèm theo một viên kim cương xứng tầm với bạn? Hình thức thay thế Bạn sắp có một chặng đường dài trước mặt với người bạn đời tương lai của mình, nghĩa là hai người sẽ cùng chịu trách nhiệm với nhau về cuộc sống chung và tài chính chung. Nói chuyện với nhau về tài chính trước khi đính hôn và kết hôn là một điều cần thiết để duy trì một mối quan hệ vợ chồng lành mạnh. Thay vì, chàng trai phải bỏ tiền ra để mua một khoản đầu tư thụt lùi và nằm trên tay cô gái (hẳn là rất ít cô gái nghĩ tới việc bán chiếc nhẫn đính hôn đi, và điều này có nghĩa, vài ngàn đô hoặc hơn thế cho chiếc nhẫn kim cương sẽ 'mãi mãi đội nón ra đi"), hai người có thể thảo luận với nhau về việc mua một chiếc nhẫn vừa phải, có nhiều ý nghĩa tượng trưng và khoản tiền chênh lệch, người con trai có thể gửi tặng trực tiếp vào tài khoản người phụ nữ hoặc hai bạn có thể tổ chức một chuyến đi tuyệt vời cho cả hai bằng số tiền chênh lệch đó. Kết luận - Chiếc nhẫn kim cương trên tay bạn không có giá trị vật chất nhiều như bạn tưởng. Nếu không tin, hãy thử mang nó đi bán. - Chiếc nhẫn kim cương đắt tiền không đảm bảo cho hạnh phúc gia đình và sự chung thuỷ của người đàn ông. - Chiếc nhẫn kim cương bạn đeo trên tay chẳng khiến cách những người có hiểu biết và tiềm lực tài chính thực sự nhìn nhận về giá trị của bạn thay đổi. - Nếu người đàn ông của bạn phải hi sinh vài tháng lương, tới vài chục tháng lương để mua tặng bạn chiếc nhẫn thì đây là một quyết định tài chính rất tồi và sẽ ảnh hưởng tới hạnh phúc lứa đôi của bạn sau này. Bạn có thể giảm áp lực và giúp người bạn đời tương lai của mình cùng ra một quyết định tài chính thông minh. - Nếu chiếc nhẫn kim cương là món quà hối lỗi của một người đàn ông phụ bạc - hãy biến nó thành tiền mặt và dùng nó để đầu tư hoặc làm bất cứ điều gì mà bạn thấy vui (thay vì giữ và đeo nó trên tay!). Thân, Tác giả Alex Tu The MiniTravelist
2 Comments
Alice
10/2/2017 08:16:20 pm
quá tuyệt chị ơi. nói chung là rất thích mindset của chị. e cũng rất ủng hộ quan điểm này, không có ý chê trách ai cả nhưng thực sự nếu bỏ tiền ra mua một chiếc nhẫn kim cương thì hơi phí
Reply
Your comment will be posted after it is approved.
Leave a Reply. |
Liên hệ công việc
[email protected] Xin chào,Tôi là Alex Tu - tác giả về các đề tài phát triển bản thân, tài chính cá nhân, du lịch và phong cách sống. Tôi đã đặt chân tới gần 90 quốc gia & đặc khu. Tôi sẽ tiếp tục khám phá và trải nghiệm nhiều hơn. Categories
All
Archives
October 2023
|