1. Nếu bạn tăng tốc tiết kiệm gấp ba lần số tiền bạn tiết kiệm một tháng hiện tại, bạn sẽ đạt mục tiêu tiết kiệm nhanh gấp ba lần. Nghĩa là, nếu bạn tính mục tiêu tiết kiệm bạn cần đạt sẽ mất 10 năm, thì bây giờ, bạn chỉ tốn khoảng 3 năm 4 tháng. Thời gian là điều vô giá. Chính vì thế, tiết kiệm được 2/3 thời gian và chỉ tốn 1/3 thời gian là điều vô cùng kì diệu! 2. Nếu tiết kiệm một tháng quá ít, thực tế là bạn sẽ không "giải quyết" được việc gì. (Đây là thực tế, dù tôi thấy nó rất phũ phàng và không muốn "tạt gáo nước lạnh" vào cả mặt tôi và mặt bạn, nhưng tôi vẫn phải nói). Ví dụ như, mỗi tháng bạn để dôi ra được 200.000 đồng; một năm bạn dôi ra được 200.000 đồng x 12 tháng = 2.400.000. Và 2.400.000 sẽ giải quyết điều gì cho đời?! 3. Bạn cười khẩy khi tôi nói mục 2, rằng mỗi tháng để ra 200.000 và sau một năm có 2.400.000 tiền tiết kiệm. Thế nhưng, bạn có biết, nhiều người trong chúng ta còn "tệ" hơn thế rất nhiều. (Thậm chí, còn có thể là chính bạn). Hàng tháng, đã không để dư ra được 200.000 đồng mà chưa đến cuối tháng đã hết tiền tiêu, cứ phải lấy đầu này gá đầu kia, đi vay mượn vì thiếu hụt. Nếu bạn giống như ở mục 2 đã có thể cảm nhận thấy 200.000 đồng/ tháng chẳng đưa bạn đi về đâu trong mục tiêu cuộc đời, thì mục 3 hẳn sẽ như một vòng quay không lối thoát "tước đi" của bạn mọi sự an tâm, bình yên. 4. Muốn tiết kiệm thêm, dễ nhất là cắt giảm chi tiêu: hạ tiêu chuẩn sống, bớt mua sắm đồ đạc lung tung, bớt những hành vi tiêu tiền bừa bãi, tăng cường mua sắm có chủ đích, học những điều hay từ triết lý sống tối giản để bớt những gì thừa mứa, mỗi giao dịch tiêu tiền cần cân nhắc và ý thức rõ số tiền sẽ "biến mất" - lợi ích ra sao - các chi phí có thể phát sinh thêm - lợi nhuận thu về là gì - lợi ích thu về ra sao,... 5. Muốn tiết kiệm thêm, ngoài việc dễ nhất là cắt giảm chi tiêu thì phương án "khó" hơn - nhưng vẫn khả thi là kiếm thêm: làm thêm giờ, thanh lý đồ thừa, nâng cao thu nhập bình quân trên số giờ làm việc (nghĩa là bạn cũng phải giỏi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn, có thành tựu xuất sắc hơn), làm những việc tay trái, ... Chọn một ngân hàng gửi gắm có lãi suất gửi tốt như Ngân hàng TMCP Saigon (SCB). 6. Nếu bạn đang có nợ, bạn có nên vay tiền để mua nhà trả góp, vay tiền để nâng cao trang thiết bị nội thất trong nhà để ở của bạn, mua xe mới trả góp không? Câu trả lời có lẽ là không. Bởi vị tất cả những thứ bạn "mua": nhà để ở, nội thất xịn, xe mới đều là tiêu sản! Chúng sẽ bòn rút tiền hàng tháng từ túi của bạn và để lại bạn kiệt quệ, thân tàn ma dại với đủ các loại lãi suất và sự chèn ép, áp lực tâm lý vì nợ nần. 7. Nợ đương nhiên phải trả, sớm hay muộn cũng phải trả. Quên nó đi, bạn vẫn phải trả (quên càng lâu, tiền lãi càng nhiều - lãi mẹ đẻ lại con). Bất kì món nợ nào cho các mục đích khác nhau: học hành, kinh doanh, đầu tư, tiều dùng, ... bạn đều có nghĩa vụ phải trả lại. Vì thế, tốt nhất, bạn hãy có phương án và "ngậm đắng nuốt cay" trả dần cho tới khi ... hết nợ. 8. Hãy có nguyên tắc riêng về việc vay nợ. Một trong những điều tối kỵ (không nên làm) là đứng ra ký bảo lãnh việc vay nợ cho người khác mua nhà để ở, đầu tư kinh doanh mạo hiểm, vay tiêu dùng, dù người vay có là người thân trong gia đình. Hãy cực kỳ thận trọng!!! Bạn có quyền từ chối và bạn nên từ chối. Hãy chú ý rằng, trong những tình huống này, người cần vay sẽ khiến cảm xúc của bạn dâng trào (cảm thấy có lỗi nên cần phải hành động kí vay; cảm thấy có nghĩa vụ hỗ trợ người nhà nên phải hành động kí vay; cảm thấy sẽ được chấp nhận, được tâng bốc nên cần phải hành động kí vay, ... ) và bạn sẽ hạ bút ký vào một văn bản dân sự liên quan tới nghĩa vụ tài chính mà bạn chắc chắn sẽ hối hận chẳng sau bao lâu. Emotions go high, money (& inteligence) goes low. 9. Vì nguồn lực của mỗi con người là có hạn, đây có thể là lý do chính đáng để chúng ta dùng các khoản vay làm đòn bẩy tài chính cho kế hoạch của mình. Thay vì "kể xấu" nợ nần, tôi mong các bạn cân nhắc thật kỹ các khoản vay nợ với các yếu tố quan trọng như sau: (1). Lãi suất vay? Cụ thể hàng tháng phải trả số tiền là bao nhiêu? Trong đó bao nhiêu tiền là tiền trả lãi, bao nhiêu tiền là tiền trả vốn? (2). Thời hạn vay? (3). Nếu có tiền trả sớm, liệu có bị phạt trả sớm? Cụ thể bị phạt thế nào? (4). Sau mỗi tháng trả tiền cho khoản vay, phần tiền vốn còn nợ là bao nhiêu? Phần tiền lãi phải trả có giảm đi không? Cụ thể thế nào? (5). Tài sản đảm bảo là gì? Yếu tố đảm bảo để ta được vay là gì? (6). Ta sẽ lấy tiền từ nguồn nào để trả cho khoản nợ hàng tháng? Nguồn tiền ấy có chắc chắn không? 10. Trong bài viết vào ngày 08 tháng 01 năm 2019 với tựa đề "How to get out of debt and get richer in 2019" (Làm thế nào để thoát khỏi nợ nần và giàu có hơn trong năm 2019), Robert Kiyosaki (tác giả cuốn sách bán chạy nhất Cha Giàu Cha Nghèo) đã chỉ ra 6 lời khuyên hữu ích sau đây, tôi xin liệt kê lại: Lời khuyên thứ 1: Nếu bạn có nợ thẻ tín dụng, chỉ giữ một hoặc hai thẻ trong bóp tiền. Lời khuyên thứ 2: Tìm ra 150 tới 200 đô-la dư ra mỗi tháng. Lời khuyên thứ 3: Dùng 150 tới 200 đô-la dư ra mỗi tháng để trả thêm cho DUY NHẤT một thẻ tín dụng. Lời khuyên thứ 4: Một khi thẻ thứ nhất đã được trả xong toàn bộ, lấy toàn bộ số tiền bạn đã dùng để trả cho thẻ thứ nhất để trả cho thẻ thứ hai. Lời khuyên thứ 5: Một khi tất cả các thẻ đã được trả xong toàn bộ, lập lại quy trình cho trả nợ xe và nhà. (Hầu hết mọi người có thể thoát khỏi nợ nần trong vòng 5 tới 7 năm). Lời khuyên thứ 6: Bây giờ, khi bạn đã không còn nợ nần, lấy toàn bộ số tiền bạn dùng để trả nợ khoản nợ cuối dùng cho việc đầu tư. Mách nước trên của Robert Kiyosaki có thể áp dụng lần lượt cho các khoản nợ khác nhau chứ không riêng gì khoản nợ thẻ tín dụng. Việc thoát khỏi nợ nần chắc chắn sẽ "đau như cắt" (để bạn nhớ đời không dám vay nợ lung tung nữa) và đòi hỏi một kế hoạch "đều như vắt chanh". Bạn thấy đấy, thoát khỏi nợ nần cũng không phải là chuyện một sớm một chiều, nó có thể chiếm tới năm tới bảy năm trời cơ! Chúc các bạn luôn bền bỉ và sáng suốt! Thân, Nhà văn tối giản du lịch Alex Tu (Tối giản, Tài chính cá nhân, Du lịch lifestyle) #Nhavantoigian #AlexTu #ShareNhungDieuTichCuc #QuyCoTuChu
0 Comments
Your comment will be posted after it is approved.
Leave a Reply. |
Liên hệ công việc
[email protected] Xin chào,Tôi là Alex Tu - tác giả về các đề tài phát triển bản thân, tài chính cá nhân, du lịch và phong cách sống. Tôi đã đặt chân tới gần 90 quốc gia & đặc khu. Tôi sẽ tiếp tục khám phá và trải nghiệm nhiều hơn. Categories
All
Archives
October 2023
|