Chúng ta cùng nói về những biện pháp hữu hiệu cho tài chính cá nhân và cùng nói về nhưng sai lầm thường mắc phải trong series 50 Sai Lầm Về Tài Chính Cá Nhân nhé! Series sai lầm thứ 11 tới sai lầm thứ 15, trong 50 sai lầm phổ biến. 11. Thứ tự ưu tiên từ chi tiêu rồi mới tới tiết kiệm, đầu tư và nghỉ hưu Chúng ta hay chi tiêu hết rồi mới nghĩ tới tiết kiệm, đầu tư và chẳng may may nghĩ tới tuổi già sẽ sống ra sao. Vì thế, tiền vào tay ta là ta tiêu hết. Không có tiết kiệm. Không có khoản đầu tư. Và càng không có quỹ nghỉ hưu. Nếu tiếp tục thực hiện theo thứ tự chi tiêu trước, rồi mới tới các khoản tiết kiệm, đầu tư, nghỉ hưu thì 20 hoặc 50 năm nữa chúng ta sẽ có 3 con số 0 tròn trĩnh cho tiết kiệm, đầu tư và nghỉ hưu! Giải pháp: đảo ngược lại thứ tự: bắt đầu để ra một chút thôi cho tiết kiệm, đầu tư và nghỉ hưu sau đó mới tới các khoản chi tiêu khác. Vật chất hoá các khoản này bằng một cuốn sổ tiết kiệm bé nhỏ đầu tiên dù chỉ vài triệu. Hãy mua một ly trà sữa hoặc cà phê để tặng thưởng cho nỗ lực đầy bứt phá của mình! 12. Qua một đêm là biết quản lý tài chính Tài chính cá nhân là lĩnh vực cực kỳ quan trọng nhưng lại không nhận được sự chú tâm và đầu tư xứng đáng. Ngay cả thế hệ bố mẹ chúng ta cũng mong chúng ta học đại học, học lên cao, trở thành luật sư, kỹ sư, bác sĩ, ... hoành tráng chứ không bao giờ kỹ lưỡng giáo dục chúng ta về tài chính cá nhân TỪ SỚM! Chúng ta thiếu giáo dục tài chính nên hiểu rất lơ mơ về tài chính cá nhân, về những con số quan trọng liên quan trực tiếp tới tự do và chất lượng cuộc sống. Chúng ta tiếp tục nghĩ rằng chỉ cần giàu lên là chúng ta sẽ thoát khỏi nỗi thống khổ về tài chính cá nhân. Chúng ta thậm chí cho là quản lý tài chính có thể thành thục trong một thời gian rất ngắn. Thực tế không phải vậy. Giải pháp: tự giáo dục bản thân về tài chính cá nhân bằng việc đọc các sách báo, blog về tài chính cá nhân và học thêm các khoá học về tài chính cá nhân. Quan trọng hơn là chúng ta phải thực hành bắt đầu quản lý chi thu thực tế và điều chỉnh liên tực. Về khoá học tài chính cá nhân, hiện Alex Tu có cung cấp khoá học trực tuyến, thông tin các bạn có thể tìm thấy tại đây. Về khoá học về kinh doanh, tôi đã từng tham gia khoá học Money & You với khoảng thời gian 3 ngày rưỡi (học tập trung) vào năm 2016 và thấy khoá học rất tốt. Tôi ước gì mình đã tham dự khoá học sớm hơn nhiều vì nó thực sự giúp tôi bùng nổ những ý tưởng thiết lập các nguồn thu nhập khác nhau, đồng thời cho tôi những hiểu biết để hạn chế những trải nghiệm tốn kém, đau thương trong quá trình quản lý tài chính cá nhân và kinh doanh của mình. - Nơi gần nhất các bạn có thể tham dự khoá học Money & You là Malaysia (ngay cả các doanh nhân, nhà khởi nghiệp, luật sư, bác sĩ, kỹ sư IT ở Singapore cũng phải sang Malaysia học tập trung). - Một năm chỉ có 2 khoá học Money & You: tháng 4 và tháng 10. - Thông tin chi tiết về khoá học Money & You các bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây. - Hoặc các bạn có thể gửi email hỏi trực tiếp tôi về khoá học qua: [email protected] 13. Mơ hồ các con số Kể cả những bạn học chuyên ngành tài chính, kế toán, ngân hàng nắm kiến thức chuyên ngành tốt nhưng có khi cũng không hề nắm các con số liên quan tới tài chính cá nhân của mình. Khi được hỏi những câu sau, các bạn đều ấp úng không nói rõ được con số: - Tiền thu hàng tháng? - Tiền chi hàng tháng? - Tiền cần nghỉ hưu dựa trên mức sống hiện tại? - Hàng tháng tiết kiệm bao nhiêu? - Hàng tháng đầu tư bao nhiêu? - Cần gấp 2000$ trong 3 ngày thì xoay được không? (Thế nhưng khi cần hơn 1000$ để mua iphone mới thì lại rất khả thi! Ước gì, quỹ tiết kiệm, đầu tư và nghỉ hưu cũng được xem trọng như iphone!) Giải pháp: thử ngồi xuống và tính toán sơ bộ 5 con số quan trọng trong tài chính cá nhân theo hướng dẫn trong bài viết trước của tôi: 5 con số quan trọng nhất của Tài Chính Cá Nhân. Đảm bảo bạn sẽ toát mồ hôi hột vì thực tế rằng, chúng ta cần một số tiền khổng lồ để nghỉ hưu thoải mái. Chẳng ai muốn một tuổi già thiếu thốn và long đong, lận đận. Vì thế, tốt nhất nên cố gắng và chú tâm từ bây giờ! Để ghi chép, theo dõi có hệ thống, tôi đề của cuốn sổ Power Thinking Notebook vô cùng thần kỳ. Chi tiết về cuốn sổ bạn có thể xem tại đây. 14. Khi biết được sơ sơ các con số thì lại sợ hãi, hoang mang và bỏ chạy Tôi biết vài người rất sợ nhắc tới tiền tỷ. Nói tới tiền to là hoang mang! Thôi nào, cứ bình tĩnh và bình tĩnh sống để học thêm về tài chính cá nhân chứ! Giải pháp: cứ cho "tỷ" chỉ là một đơn vị tính mà thôi! Cả cuộc đời chúng ta cộng lại, chúng ta cho qua tay rất rất là nhiều tỷ đấy nhé! Tỷ là sự ghép lại của nhiều trăm triệu, nhiều trăm triệu là ghép lại của nhiều triệu, và một triệu thì bạn đâu có lạ lẫm gì. Hãy nhớ tới câu chuyện bó đũa. Tỷ ơi, ta không sợ mi nữa! 15. Keo kiệt khoản nhỏ, phung phí khoản to Tiết kiệm 10.000 cho bằng được nhưng phung phí 2.000.000 như không có gì. Ô kìa, hãy tỉnh táo nhé! Tôi có chị bạn ngồi cả tiếng đồng hồ chỉ để dò sai lệch 1.100 đồng từ tiền báo chuyến đi bằng app do chênh lệch ngoại tệ không như chị ấy tính. Tôi kinh ngạc vì với 1 tiếng đó, chị có thể tạo ra thu nhập gấp mấy trăm lần số tiền 1.100!!! Giải pháp: để mắt tới những "lỗ thủng" chi tiêu lớn trong mô hình chi tiêu của mình và "vá" chúng. Vá một lỗ hỗng chi tiêu đại bự thì còn hơn cả chục lần tiết kiệm những khoản lắt nhắt bé nhỏ (nhưng lại gây bực mình và mất thời gian vô đối). (còn nữa) Bạn đang đọc phần 2. Bài viết kỳ trước cùng series: 50 sai lầm về tài chính cá nhân - phần 1 Thân, Nhà văn tối giản du lịch Alex Tu (Tối giản, Tài chính cá nhân, Du lịch lifestyle)
2 Comments
Dương Ngọc Quốc Cường
10/4/2018 01:49:48 pm
Cám ơn chị iu đã chia sẻ bài viết hay. Hug you! <3
Reply
Alex Tu
10/4/2018 05:09:40 pm
Thank you em!
Reply
Your comment will be posted after it is approved.
Leave a Reply. |
Liên hệ công việc
[email protected] Xin chào,Tôi là Alex Tu - tác giả về các đề tài phát triển bản thân, tài chính cá nhân, du lịch và phong cách sống. Tôi đã đặt chân tới gần 90 quốc gia & đặc khu. Tôi sẽ tiếp tục khám phá và trải nghiệm nhiều hơn. Categories
All
Archives
October 2023
|